Theo dõi trên

Ước vọng Ka Pét!

26/11/2021, 08:13

BT- Ðặt chân ở khu vực không lâu nữa sẽ là công trình thủy lợi lớn, quan trọng của quốc gia, tôi nghĩ về tương lai không xa, hồ chứa nước Ka Pét sẽ chạm mục tiêu cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân vùng hạn… 

Giữa vùng hạn

Đang vào thời điểm giao mùa nên những cơn mưa trở nên hiếm hoi hơn. Ấy vậy mà vào những ngày gần cuối tháng 11 dương lịch, đêm trước khi có chuyến đi khảo sát ở khu rừng thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, trời lại mưa rả rích. Nghĩ chắc chắn đường sẽ trơn trượt nên các thành viên trong đoàn đều trang bị giày, áo mưa, nước uống và không thể thiếu món ăn lót dạ là bánh bao, bánh mì, chuẩn bị…vào rừng.

6 giờ sáng, đoàn xuất phát từ trung tâm thành phố Phan Thiết, tiến về nơi tập trung tại Trạm bảo vệ rừng Bom Bi, xã Mỹ Thạnh. Chúng tôi tháp tùng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đi khảo sát thực tế dự án hồ Ka Pét, hồ chứa nước đã mất 3 - 4 năm chuẩn bị đầu tư và được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2019. Từ trục đường chính, đoàn chuẩn bị hành trang lội bộ vào khu rừng thuộc xã Mỹ Thạnh, điểm xây dựng hồ chứa. Sau cơn mưa đêm qua, không khí ở vùng đất Hàm Thuận Nam trở nên mát mẻ hơn thường ngày. “Đi bộ mấy km mới tới nơi hả anh?” - tôi tò mò hỏi một cán bộ tại địa phương. “Quãng đường rừng đi bộ 2 chiều khoảng 6 km”- Tôi nghe vậy liền hăng hái, phấn khích khi lần đầu tiên được chinh phục đường rừng xa như thế. Huống chi, đây còn là địa điểm sẽ xây dựng hồ chứa nước Ka Pét. Đường khá trơn, nhưng khi được trải nghiệm cung đường đẹp, còn hoang sơ trong rừng, nhóm phóng viên nữ chúng tôi vẫn quyết tâm nối theo sau lãnh đạo tỉnh, với bàn chân thoăn thoắt, cố bám vào mặt đất, hít thở bầu không khí trong lành. Dù mồ hôi nhễ nhại, nhưng ai nấy đều kiên quyết từ chối sự trợ giúp từ nhân viên bảo vệ rừng với chiếc xe máy cà tàng chở nước uống theo sau.

Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác tại chuyến thị sát công trình thủy lợi hồ chứa nước Ka Pét.

Đi bộ khoảng vài cây số, chúng tôi được đại diện Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp tỉnh - đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản giới thiệu điểm khảo sát hạng mục công trình chuyển nước. Chỉ tay về hướng có dòng suối đang chảy róc rách, một cán bộ phụ trách dự án báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy: “Đây là vị trí lấy nước về hồ Ka Pét và hạng mục công trình đầu mối, vị trí gần đập chính”. Quả thật, giữa rừng núi xanh ngát, tiếng nước từ các khe suối chảy róc rách, trong veo khiến khó ai cầm lòng, “ồ” lên thích thú. Không vui sao được, khi dự án hồ Ka Pét là cái tên đã rất quen thuộc, mang theo nhiều ước vọng của người dân Bình Thuận. Khi đặt chân ở khu vực không lâu nữa sẽ là hồ chứa lớn, tôi nghĩ về tương lai không xa, hồ chứa nước Ka Pét sẽ sớm chạm mục tiêu cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân vùng hạn. Đồng thời phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du… 

Công trình quốc gia

Như lời chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, hạn hán thường xuyên, nguồn nước khan hiếm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét sẽ góp phần quan trọng khắc phục tình trạng hạn và phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Hàm Thuận Nam và vùng phía nam Bình Thuận. Nói rõ hơn, hồ Ka Pét khi hoàn thành sẽ cấp nước tưới trực tiếp cho trên 7.000 ha gồm khu tưới Mỹ Thạnh, Hàm Cần, bổ sung nước kênh Sông Linh – Cẩm Hang. Đồng thời, tiếp nước để mở rộng cho khu tưới của hồ Sông Móng, cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II và nước sinh hoạt cho khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết.

Khi khảo sát tại khu tưới Mỹ Thạnh, Bí thư Tỉnh ủy đã trao đổi  với ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh về sự hình thành một khu nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai. Ý tưởng này sẽ không khó, khi hồ Ka Pét được xây dựng hoàn thiện. Khi ấy, vùng đất Hàm Thuận Nam và nhiều vùng hạn khác trong tỉnh sẽ có cơ hội mở rộng hơn nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, năng suất cao để đưa ngành nông nghiệp phát triển hiện đại...

Đó là ước vọng của những năm tới, khi có hồ Ka Pét. Còn giờ đây, vùng đất hạn Hàm Thuận Nam nói riêng và các huyện phía nam tỉnh, nỗi lo hạn hán vào mùa khô vẫn luôn hiện hữu. Trong căn nhà lá đơn sơ, nghèo khó ở thôn 1, xã Mỹ Thạnh, chị Nguyễn Thị Hiệp cùng đứa con trai nhỏ đang chắt chiu nguồn nước mưa ít ỏi để nấu nướng, sinh hoạt. Khi chúng tôi hỏi về mong ước trong tương lai, chị Hiệp thật lòng chia sẻ: Với hoàn cảnh khó khăn hiện tại, mong mỏi của bà con là có nguồn nước ổn định vào mùa khô để sinh hoạt, làm ruộng. Cách khu dân cư thôn 1 không xa, khu tưới Mỹ Thạnh 127 ha cho đồng bào dân tộc hiện lên trước mắt chúng tôi với vùng đất rộng lớn. Nhưng tiếc thay, dù đang vào vụ sản xuất hoa màu, nhưng không biết vì lý do thiếu nước, hay bỏ vụ, mà những ruộng bắp đã khô héo, phơi mình giữa nắng gió khô khan. Những hàng bông lau màu vàng mỡ, ngả mình xuống con đường mòn vào khu sản xuất. Gần đó, chỉ có lác đác mấy con trâu, bò của đồng bào được chăn thả, quẩn quanh bên đống cỏ khô…

Với dự án hồ Ka Pét, Ban QLDA các công trình nông nghiệp tỉnh cho biết, quá trình thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi, do sự thay đổi về chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là công tác bồi hoàn rừng, đơn giá nhân công tăng và sự biến động về giá nhiên vật liệu nên tổng mức đầu tư tăng so với Nghị quyết 93 của Quốc hội. Do vậy, UBND tỉnh đã ban hành tờ trình gửi Chính phủ về việc thẩm định, điều chỉnh bổ sung chủ trương dự án. Trong đó, đề nghị điều chỉnh tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 693,73 ha. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.015,48 tỷ đồng, tăng 429,83 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019 đến năm 2025…

Dự án hồ chứa nước Ka Pét không chỉ là sự mong chờ của người dân vùng hạn, mà còn là niềm vui lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Mới đây, đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ sớm thẩm tra hồ sơ, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh dự án. Trên cơ sở đó, tỉnh triển khai các bước tiếp theo, sớm thi công hồ chứa nước Ka Pét để hoàn thành dự án quan trọng này trong giai đoạn 2021-2025.

Ước vọng về hồ Ka Pét của người dân Bình Thuận sẽ sớm thành hiện thực! 

Ghi chép của Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ước vọng Ka Pét!