BT- Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, giữ vững an ninh - chính trị là nền tảng. Hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được kiện toàn, chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên từng bước được nâng lên. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng. Trong đó, xác định kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác kiểm tra, giám sát.
Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 37 tổ chức Đảng và 425 đảng viên, qua kiểm tra đã kết luận 20 tổ chức Đảng và 292 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 7 tổ chức Đảng và 167 đảng viên. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra 3 tổ chức Đảng và 31 đảng viên, qua kiểm tra đã kết luận 22 đảng viên có vi phạm, phải xử lý kỷ luật (9 khiển trách, 3 cảnh cảo, 8 cách chức, 2 khai trừ); tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật đối với 8 đảng viên (2 khiển trách, 1 cảnh cáo, 3 cách chức và 2 khai trừ).
Thường xuyên sơ kết, tổng kết là biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Trong ảnh, ông Phan Văn Đăng – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: Hữu Phúc
Để các cuộc kiểm tra có chất lượng, hiệu quả, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tổ chức những cuộc hội thảo gồm các thành viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về chuyên đề “Giải pháp nâng cao công tác nắm bắt thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm” và ban hành thông báo kết luận triển khai thực hiện trong Ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Bình Thuận. Từ đó, nhận thức của cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp càng nâng cao hơn trong việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, như chủ động nắm tình hình qua nhiều kênh thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng, đơn, thư tố cáo, khiếu nại, phản ánh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực; cán bộ theo dõi địa bàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan; tăng cường giám sát việc thực hiện kết luận qua kiểm tra.
Đặc biệt, qua thông tin báo chí, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã chủ động, kịp thời khảo sát, nắm bắt các nguồn, kênh thông tin và tiến hành kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, đang được dư luận xã hội và nhân dân quan tâm về công tác cán bộ, công tác quản lý tài chính, quản lý đất đai, quy hoạch đô thị... Nổi bật là kiểm tra dấu hiệu vi phạm về quản lý đất đai, đô thị vừa qua của TP. Phan Thiết được báo chí và dư luận quan tâm. Kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thi hành kỷ luật 6 đảng viên.
Với những kết quả đạt được trong năm 2020 và trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương tặng Cờ thi đua đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đề nghị thời gian tới Ủy ban kiểm tra các cấp tiếp tục xác định công tác kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, đồng tình ủng hộ cao của cấp ủy đối với công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Cán bộ kiểm tra phải nhạy bén và luôn chủ động, kịp thời nắm bắt thông tin, đối tượng kiểm tra; thường xuyên theo dõi chặt, nắm chắc thông tin của dư luận, nhất là từ báo chí, sẽ giúp phát hiện ra các đầu mối có liên quan đến chứng cứ, chứng lý để tiến hành nghiên cứu chọn lọc, xác định đúng nội dung, đối tượng... để kiểm tra; đồng thời kết hợp với công tác lắng nghe ý kiến quần chúng, sự giám sát và phát hiện của các đoàn thể, nhân dân và các cơ quan thông tấn báo chí để tiến hành hoạt động thẩm tra, xác minh. Kế tiếp là khi xem xét, kết luận và thi hành kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm phải công tâm, khách quan, toàn diện kết hợp với phương pháp đối chiếu, quy nạp, trong từng trường hợp cụ thể gắn với quan điểm lịch sử. Bám sát các quy trình, quy định, nguyên tắc, thủ tục trong quá trình kiểm tra, kết luận khi có dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác hội thảo, giao ban để thông qua đó trao đổi kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát trong tỉnh, giữa các tỉnh trong khu vực… nhất là các cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng và đảng viên phức tạp, có thủ đoạn tinh vi nhằm che dấu hành vi sai phạm. Ngoài ra, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra cần quan tâm xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sâu, rộng trên nhiều lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
Nguyễn Thị Minh Hoàng