Báo cáo tại buổi làm việc, UBND tỉnh cho biết, Bình Thuận đã thành lập ban chỉ huy phòng thủ dân sự. Công tác huấn luyện cho các đối tượng trong khu vực phòng thủ được thực hiện nghiêm túc; chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang được nâng lên, tính chủ động ngày càng cao.
Tỉnh đã xác định vị trí xin chủ trương giao đất xây dựng doanh trại Trung tâm huấn luyện bảo vệ sức sống tàu hải đội dân quân thường trực; khảo sát vị trí đất bố trí xây dựng đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Tham mưu Quân khu, Bộ Tư lệnh Quân chủng phòng không – không quân; bổ sung quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh dự kiến xây dựng 152 công trình phòng thủ với tổng kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng.
Để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự, UBND tỉnh kiến nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh đầu tư kinh phí xây dựng các cụm điểm tựa, kè biển, công trình quốc phòng, công trình chiến đấu ở các Đồn Biên phòng và trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thảm họa, dịch bệnh.
Tỉnh cũng kiến nghị nhiều nội dung vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự theo hướng cần chuẩn bị tốt các phương án từ thời bình và khi có chiến tranh để chủ động phòng, chống thảm họa do chiến tranh, thảm họa do con người hoặc thiên tai gây ra. Đồng thời, làm rõ cơ chế chỉ huy, phối hợp khi có sự cố, thảm họa; bổ sung “ngư dân” vào nhóm đối tượng yếu thế để có biện pháp bảo vệ khi xảy ra sự cố, thiên tai.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẳng định, Đoàn khảo sát tiếp thu các đề xuất của tỉnh, trong đó có việc quan tâm đầu tư công trình, trang thiết bị, chế độ chính sách cho lực lượng làm nhiệm vụ; xác định rõ nhiệm vụ của từng đơn vị liên quan; xác định mức độ, loại hình sự cố, thảm họa để chủ động ứng phó trong phòng thủ dân sự.