Nhưng cùng với việc ứng dụng chatbot này đang thu hút sự chú ý của hàng triệu người, thì cũng đã xuất hiện những lo ngại, cảnh báo về tính rủi ro mà nó có thể mang lại. GPT (Generative Pre-training Transformer) là một mạng lưới thần kinh AI (ANNs) được đào tạo trên khối lượng lớn văn bản trực tuyến để tạo ra các phản hồi tự nhiên, giống con người. Do đó, nó có thể trả lời các câu hỏi phức tạp, viết truyện cười, viết mã máy tính, viết bài luận cấp đại học, giải thích các khái niệm khoa học ở nhiều cấp độ… Kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, ChatGPT đã thu hút được sự chú ý của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Công cụ chatbot tiên tiến này đã nhanh chóng đạt được 1 triệu người dùng chỉ sau 5 ngày phát hành, thần tốc hơn cả 2 ứng dụng mạng xã hội hàng đầu là TikTok và Instagram. Nhờ thành công của ChatGPT, một số công ty đã bắt đầu học cách tích hợp chatbot này với sản phẩm của họ. Kể từ đó, phạm vi tiếp cận của ChatGPT không ngừng tăng lên. Tính đến ngày 31/1/2023, ChatGPT đã cán mốc con số 100 triệu người dùng, trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Bên cạnh đó, chatbot còn có thể giải thích nhiều câu hỏi phức tạp như người thật, hay giúp các lập trình viên tìm lỗi trong mã họ viết. Đặc biệt, ChatGPT có khả năng hiểu và sử dụng ngữ cảnh như con người qua việc tham gia vào các cuộc trò chuyện dài và khiến người dùng có cảm giác như đang thực sự nói chuyện với một người, chứ không phải với một cỗ máy… Tuy nhiên, ChatGPT chỉ có thể truy cập thông qua trang web của OpenAI và không có ứng dụng trên điện thoại. ChatGPT là bước tiến của trí tuệ nhân tạo, góp phần thay đổi thế giới. Theo hướng tích cực, trí tuệ nhân tạo có thể giúp con người trả lời hầu hết câu hỏi trong một thời gian rất ngắn, nhưng câu trả lời là sự tổng hợp thông tin dựa vào dữ liệu có sẵn, do đó người dùng cần kiểm chứng, nhất là khi dữ liệu mang tính chất cá nhân.
Tuy nhiên, ChatGPT cũng còn một số nhược điểm, hạn chế cần cân nhắc khi sử dụng như: ChatGPT có xu hướng tạo ra các nội dung văn bản có vẻ hợp lý và có tính thuyết phục nhưng thực tế lại không chính xác hoặc vô nghĩa. Chất lượng câu trả lời còn phụ thuộc nguồn dữ liệu đã được học, chưa cung cấp các nguồn tham chiếu của câu trả lời, chưa đáp ứng được tốt các câu hỏi yêu cầu chính xác và liên quan đến tương lai, mức độ cảm xúc, sáng tạo còn hạn chế… Các chuyên gia cũng cảnh báo, sử dụng ChatGPT có thể làm giảm sự sáng tạo và khả năng tư duy của con người, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập. ChatGPT có thể tạo ra câu trả lời nhanh nhưng không giúp ích cho xây dựng các kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện.
Ngày 11/2/2023, chỉ hơn 3 tháng sau khi ứng dụng này ra đời, Báo Tuyên Quang Cuối tuần đã thực hiện chuyên đề ứng xử với ChatGPT để đánh giá toàn diện hơn về tác động của ứng dụng đối với báo chí truyền thông. Ngày 1/3/2023, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Tuyên Quang phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “ChatGPT với báo chí truyền thông - Cơ hội và thách thức” tại tỉnh Tuyên Quang (đơn vị được đánh giá có những chuyển biến mạnh mẽ nhất về chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí những năm gần đây). Ông Nguyễn Đức Nam, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng cho biết: Việc ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo là việc rất cần thiết trong thời đại kỷ nguyên số như hiện nay, trong đó có ứng dụng ChatGPT. Báo chí cũng như nhiều ngành nghề khác đang trong giai đoạn tìm hiểu và tìm cách khai thác tiện ích của nó để phục vụ tốt nhất cho công việc. Việc Báo Tuyên Quang tổ chức hội thảo chuyên đề này là rất ý nghĩa, tạo diễn đàn để được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, những người tiên phong sử dụng, là cơ hội tốt để Báo Tuyên Quang và các báo Đảng địa phương tiếp thu, khai thác, tận dụng những tiện ích mới nhất phục vụ cho công việc và phục vụ độc giả của mình. Qua đó, các báo sẽ định hướng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên vận dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung các tác phẩm báo chí. Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, trong buổi họp mặt báo chí đầu xuân Quý Mão 2023, cũng đã chia sẻ về ứng dụng ChatGPT. Đó là: ChatGPT buộc báo chí phải suy nghĩ, thúc giục báo chí phải cải tiến và phát triển kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng. Mô hình này cũng đặt ra yêu cầu cho báo chí cần giữ gìn độ tin cậy bằng chất lượng, tính minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Nhưng điều quan trọng là không có gì có thể thay thế được quan điểm cá nhân, ý thức chính trị và tính chuyên nghiệp của các nhà báo.