Theo dõi trên

Văn hóa bình luận và tranh luận

21/09/2018, 09:28

BT- Hiện nay, trên các trang tin điện tử hoặc báo điện tử hầu hết có mục comment (bình luận) để bạn đọc chia sẻ cảm xúc, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình. Đây cũng là "nhịp cầu" để các tòa soạn báo kết nối, tương tác với độc giả, nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền.

Làm nhà báo có lẽ ai cũng từng nhận các comment từ độc giả, có lời khen ngợi, có lời chê bai, chỉ trích, thậm chí đôi khi bị “ném đá” tới tấp, và cũng có nhiều ý kiến đóng góp rất chí tình, chí lý. Phải nói rằng có những comment của bạn đọc dù chỉ ngắn gọn vài dòng, nhưng hàm ý sâu sắc, chứa đựng nhiều thông tin, gợi mở nhiều đề tài cho các tòa soạn. Các nhà báo phải cảm ơn các bình luận rất có giá trị ấy.

Nhưng cũng có nhiều comment gây “sốc”, “choáng” bởi lời lẽ khiếm nhã, thô tục, vô cớ xúc phạm người viết. Có những “anh hùng bàn phím” chưa đọc hết, hoặc chưa hiểu đầu đuôi sự việc thế nào đã vội vàng comment chửi bới, hạ nhục người khác theo kiểu “Chí Phèo”. Một số người có lẽ nghĩ rằng muốn comment thế nào cũng được, bình luận thế nào tùy thích, nhưng người tinh ý đọc một comment là đoán biết được tác giả có trình độ văn hóa và nhân cách thế nào.

Chính vì vậy, trên các báo điện tử chính thống thường phải có bộ phận chuyên trách để quản lý, biên tập, duyệt đăng các comment của độc giả, bởi ban biên tập các báo điện tử phải có trách nhiệm về các bình luận của độc giả khi đăng chúng trên trang báo của mình. Còn trên các trang mạng, diễn đàn online, trang tin điện tử thì hầu hết comment được “đẩy” lên một cách vô tư, thoải mái nên nhiều khi gây ra tác hại khó lường, bởi ai cũng biết sức mạnh của cộng đồng mạng ghê gớm thế nào.

Nếu theo dõi cuộc tranh luận về “công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại gần đây, nhiều người phát hoảng vì chuyện “ném đá”, chửi bới, mạt sát nhau tràn lan trên mạng. Có phải do các bức xúc về giáo dục bị dồn nén, nên một bộ phận công chúng dường như “mất bình tĩnh” khi bài xích GS Đại theo cảm tính?

Xung quanh đề xuất thay đổi chữ viết của GS Bùi Hiền và cách đánh vần “lạ” của GS Hồ Ngọc Đại trong sách Công nghệ giáo dục, trong bài “Nhiều người Việt không còn tôn sư trọng đạo”, tác giả An Nhi viết: Điều khiến tôi thực sự bức xúc, buồn và lo lắng đó là cách rất nhiều người bày tỏ quan điểm, họ chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu của thầy Hiền và thầy Đại, nhưng lại có những lời lẽ thô tục xúc phạm danh dự, nhân phẩm 2 thầy!

Còn trong bài “Phương pháp luận chửi”, tác giả Võ Đình Tiến viết: Quan sát các cuộc tranh luận lớn trên FB về đề tài đặc khu, nhân quyền, dân chủ, giáo dục, thấy nhiều người chỉ dùng “phương pháp luận chửi” với lời lẽ tục tĩu... Tranh luận quý ở chỗ dùng lý luận, căn cứ khoa học để nêu bật vấn đề mình ủng hộ, chứ không phải dùng lời lẽ mạt sát, chửi bới phe phản biện mình, mà không đưa ra được dẫn cứ, lý do nào.

Nguy hiểm hơn, có người cố tình nói sai bản chất vấn đề, hoặc lợi dụng sự việc để công kích chính sách của Đảng - Nhà nước, gây mâu thuẫn xã hội, kích động nhân dân. Đã có không ít người sử dụng mạng xã hội bị xử lý hình sự do vi phạm pháp luật. Nhiều kẻ xấu đã sử dụng mạng xã hội để dẫn dắt dư luận, khi mà Quốc hội chuẩn bị xem xét dự luật đặc khu và an ninh mạng. Đảng -Nhà nước đã phải kêu gọi người dân (nhất là cán bộ đảng viên) không nên a dua, mà bình tĩnh, tỉnh táo khi chia sẻ, bình luận, trực tiếp comment để phản bác lại các thông tin xấu độc, bịa đặt trên mạng.

Số người sử dụng internet ở Việt Nam đang tăng nhanh và đã cao hơn nhiều nước trên thế giới, dư luận cũng đang nói nhiều về văn hóa bình luận, tranh luận trên mạng của người Việt mình. Xây dựng văn hóa ứng xử với nhau nhân văn hơn trên mạng xã hội đang là yêu cầu cấp thiết.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Văn hóa bình luận và tranh luận