Theo dõi trên

Văn hóa doanh nghiệp: Tài sản vô hình quý báu

07/11/2016, 08:34

BT - Ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, việc vinh danh này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  ký ban hành tại Quyết định số 1846/QĐ-TTg ngày 26/9/2016. Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trong toàn xã hội. Đồng thời, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhân sắp đến Ngày Văn hóa doanh nghiệp, xin có đôi điều bàn về xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Theo Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên viết: Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của mỗi doanh nghiệp trong môi trường chung, đó là những quan niệm, tập quán, truyền thống của dân tộc, tác động của môi trường tới hoạt động của doanh nghiệp, tác động này chi phối tình cảm, lý trí, cách suy nghĩ và hành vi ứng xử của mỗi thành viên trong doanh nghiệp và trong cộng đồng doanh nghiệp với người sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp.

 Văn hóa doanh nghiệp đang được xem là một loại tài sản vô hình quý báu. Loại tài sản này có thể giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Văn hóa doanh nghiệp là sản phẩm của sự thống nhất, đồng thuận của tất cả mọi người trong doanh nghiệp. Từ đó các nội quy, quy chế văn hóa mới có thể dần dần hình thành, đến một giai đoạn nào đó, tổ chức coi một số giá trị là quy định, tiêu chuẩn, là món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu được cho mỗi con người trong doanh nghiệp.

Khi thực hiện văn hóa doanh nghiệp chúng ta không thể hô hào, áp đặt bằng những khẩu hiệu chung chung, mà phải có những nội quy, văn bản cụ thể phù hợp, cần phải xây dựng những chuẩn mực như thương hiệu, tiêu chuẩn, sản phẩm, tác phong nhân viên. Điều quan trọng nữa là phải thường xuyên, liên tục kiểm tra, để có những biện pháp khen thưởng, kỷ luật kịp thời mới tạo ra được động lực chung cho toàn doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải vượt qua rất nhiều gian nan, thử thách không phải một sớm một chiều mà thành công bởi nó ẩn chứa rất nhiều yếu tố, cả hữu hình và vô hình, khách quan và chủ quan.

Do vậy khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần phải bắt đầu từ nội dung và hình thức, có như vậy mới giữ được những giá trị và hình ảnh tốt đẹp lâu dài trong đời sống xã hội.

Về nội dung, trước tiên chúng ta phải xây dựng được những con người văn hóa có đầy đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn, luôn phấn đấu vì mục đích chung. Bao gồm nhiều yếu tố, ví dụ như tính trung thực là luôn thành thực trong cuộc sống, không gian dối, thực hiện đúng những gì mình đã hứa hẹn và đảm bảo đúng những gì mình sẽ thực hiện. Trung thực là đức tính quý nhất của con người, hãy luôn trân trọng và giữ gìn…

Về hình thức, cần tạo hình ảnh bên ngoài, để cân bằng giữa nội dung và hình thức tạo nên một phong cách hài hòa, ấn tượng, trong đó xây dựng phong cách làm việc là vấn đề quan trọng.

Hơn nữa chúng ta không nên hiểu văn hóa doanh nghiệp là cái gì đó to tát mà ngược lại bắt nguồn từ những gì đơn giản, nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày, nằm ngay ở phong cách làm việc của mỗi người. Đó có thể là đi làm đúng giờ, không sai hẹn với khách, biết chào hỏi, cười với khách hàng, mặc trang phục đúng quy định, khiêm tốn, biết học hỏi và giúp đỡ đồng nghiệp, khách hàng… Cần phải chú ý tới hình ảnh, dáng đi, trang phục, lời ăn tiếng nói, đừng cho đó là hình thức mà không quan tâm thực hiện.

Bên cạnh những yếu tố như sản phẩm, thị trường, công nghệ, năng lực kinh doanh… thì văn hóa doanh nghiệp được coi là một nguồn lực, tài sản vô hình, là yếu tố vàng quyết định sự thành công của các doanh nghiệp. Do vậy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước hiện nay.

H.L



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Văn hóa doanh nghiệp: Tài sản vô hình quý báu