Ảnh minh họa |
Bài viết sau đây của cô giáo Phan Tuyết, giáo viên Trường tiểu học Phước Hội 2, thị xã La Gi, có thể chưa nêu ra hết nguyên nhân của tình trạng nói trên, song ít nhiều cho thấy những trăn trở của người trong cuộc. Hy vọng sau bài viết sẽ có nhiều ý kiến tham gia diễn đàn. “Thà thắp lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”, vì vậy chúng tôi giới thiệu bài viết với bạn đọc.
Mấy năm gần đây, tình trạng học sinh đánh nhau, nghiện ngập, yêu đương buông thả trong trường học để trở thành những bà mẹ trẻ con... xảy ra ngày một nhiều. Gần nhất là việc một học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (TP. Phan Thiết) bị đâm đến thiệt mạng. Chuyện học trò thuê giang hồ “dằn mặt” thầy cô mình cũng không phải là hiếm. Khi những vụ việc kể trên xảy ra, không ít ý kiến cho rằng nhà trường dạy dỗ không nghiêm, cũng như có ý kiến ngược lại là: gia đình còn phó thác chuyện giáo dục trẻ cho nhà trường. Người ta cũng dễ tìm thấy nhiều ý kiến đề nghị “tăng cường giáo dục đạo đức học đường”, đề nghị “siết chặt” khâu quản lý học sinh, tăng cường an ninh trường học, đẩy lùi các trò chơi game bạo lực… để giảm thiểu tình trạng không đáng có nói trên.
Là cô giáo nhiều năm gắn bó với mái trường, coi nghề giáo như một “thiên chức”, người viết bài này không ít lần trăn trở, tự hỏi đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng văn hóa học đường xuống cấp như vậy?
Có dịp trò chuyện với những người thế hệ 5X, 6X từng sống ở hai miền Nam, Bắc thì đa số cho rằng: họ rất yêu kính thầy cô giáo của mình. Khi ra đường gặp thầy cô, học trò đều đứng lại, cúi đầu chào thầy, cô một cách đầy cung kính. Khi thầy hỏi chuyện, một lời vâng dạ, kính thưa. Học trò phạm lỗi, bị thầy phạt… nhưng tuyệt nhiên không ai giận thầy. Đặc biệt trên trang vở, mỗi nhận xét của thầy, cô (với học sinh tiểu học) được học sinh hết sức coi trọng, từ đó mà ra sức cố gắng. Còn cha mẹ của học sinh, mỗi khi đọc những lời nhận xét của thầy cô với con mình, cũng thấy mình có trách nhiệm với con hơn trong việc dành thời gian cho con học, bảo ban con để bằng bạn bè (nếu là học kém). Đã có không ít trường hợp, học sinh bị thầy phạt, về nhà không dám thưa lại, nhưng khi cha mẹ vì lý do nào đó biết được thì không những bị cha mẹ “hăm he” phạt nặng, mà cha mẹ còn dẫn con lên trường “đề nghị” cô thầy vì thương học trò mà hết lòng dạy dỗ… bởi không ít người đều thuộc lòng câu “kính thầy mới được làm thầy”; “không thầy đố mày làm nên”; “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”… Tựu trung lại, nhiều người ở thế hệ trước nghĩ: thầy cô nghiêm khắc xuất phát từ tình thương học trò của mình, muốn học trò của mình nên người.
Thế nhưng, mọi chuyện đã trở nên thay đổi. Không hiểu từ lúc nào mà tinh thần “tôn sư trọng đạo” xuống cấp. Trên internet gần đây, người ta thấy không ít video clip trò nhạo báng thầy cô, thậm chí đánh thầy, cũng như cảnh những vị thầy không kìm được sự nóng nảy đã đánh học trò bằng... tay. Tương tự như thế, tôi từng chứng kiến cảnh nhiều phụ huynh vì con mình bị thầy phạt (bằng thước kẻ đánh vào tay) đã lên tận trường chửi, thóa mạ thầy cô bằng những lời lẽ vô cùng khó nghe. Trong trường hợp như thế, nếu ban giám hiệu nhà trường hiểu và chia sẻ thì thầy cô đỡ buồn tủi, bằng ngược lại bị khép vào lỗi “Vi phạm đạo đức nghề nghiệp”, bị hạ bậc thi đua, khiển trách, cảnh cáo (có khi bị đuổi ra khỏi ngành)... thì thầy cô sẽ thu mình lại, dạy làm sao cho hết giờ, thà thiếu trách nhiệm với lương tâm, với thiên chức, nhưng an toàn cho chính mình, cho cuộc sống của gia đình mình. Bằng chứng của điều này là vụ việc xảy ra gần đây ở Thanh Hóa. Một học sinh lớp 8 ở Thanh Hóa trong khi thầy đang giảng bài, em ngồi quậy phá, nhắc nhở nhiều lần không nghe, cho lên bục giảng đứng vẫn nói chuyện tiếp với các bạn ngồi dưới. Vì quá nóng giận trước thái độ coi thường của trò, thầy dùng thước đánh vào mông em, thì em đưa tay đỡ. Chuyện đến tai gia đình, ba mẹ em đưa đi bó bột và tố cáo thầy đánh con mình gãy tay. Các bác sĩ sau đó khẳng định, tay em học sinh không bị thương tổn gì và yêu cầu tháo bột, nhưng thầy giáo bị đình chỉ giảng dạy, buộc phải xin lỗi học trò.
Trước thực tế đó, không khỏi suy nghĩ: Có phải chúng ta đề cao “thái quá” quyền của trẻ em? Coi trẻ em “như búp trên cành” một tia nước mạnh cũng không được cho phép chạm vào, từ đó có sự nhận thức lệch, khi cho rằng việc răn dạy, giáo dục, thậm chí phạt (hình thức kỷ luật nhẹ) là xâm phạm nhân cách trẻ em. Bên cạnh đó cũng cần nhắc tới vai trò của cha mẹ học sinh trong việc phối hợp giáo dục. Nếu cha mẹ học sinh chớ vì xót con, hiểu được rằng: trừ những người không có lương tâm chức nghiệp thì đại đa số thầy cô không ai muốn học trò mình hư, học trò mình dốt, bởi đời nào cũng vậy sự tiến bộ, thành đạt của học trò chính là tiếng thơm dành cho thầy cô giáo... để từ đó chia sẻ gánh nặng với thầy cô thì chắc chắn rằng tình trạng trò xem thường thầy cô, ngổ nghịch sẽ giảm đi bởi ai cũng biết cha mẹ chính là tấm gương cho con trẻ noi theo. Cha mẹ một lòng kính thầy, quý thầy, thì chắc chắn con trẻ sẽ không dám xem nhẹ thầy cô giáo dạy mình.
Nghề giáo quả là một nghề vất vả, nhưng không ít nỗi niềm. Mong sao sẽ có lúc thay đổi, để cùng với đó những “điều không hay sẽ bớt đi. Bên cạnh đó, từng thầy cô cũng phải nghiêm khắc xem lại mình trong việc giữ gìn phẩm giá người thầy. Tấm huân chương nào cũng có hai mặt. Nếu như vì lý do sinh kế, thầy cô giáo nào đó làm mất phẩm giá của mình thì xã hội sẽ nhìn vào và sự nể trọng sẽ giảm đi.
Riêng tình trạng bạo lực học đường chúng tôi nghĩ cần đề cập ở một bài khác.
Phan Tuyết