Đã 48 năm, bây giờ trở lại với bao màu hoa rạo rực ở sân trường, nổi bật nhất là những cánh phượng hồng vẫn còn tươi thắm trong những ngày cuối hạ. Phượng vĩ đã ngân lên thành giai điệu da diết, phượng như một lời chào nhắn gửi lưu luyến khi chia tay. Phượng như một khát khao hồn nhiên gợi mở, không chỉ là những cánh phượng hồng mà những vườn hoa như cúc, lạc tiên, tứ quý, đậu phộng dại… được bao bọc cả một sân trường tạo nên những thảm hoa vàng, đỏ trên nền xanh của cây lá trông thật thích mắt. Đường đi lối lại trong sân trường cũng đã đổ bê tông sạch sẽ. Sân trường che rợp bóng mát, duyên dáng sắc hoa, đan xen ghế đá và đưa đẩy những chiếc xích đu. Tất cả đã tạo cho ngôi trường có một vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình... Đó là Trường THPT Hàm Thuận Bắc thân thương của tôi, kỷ niệm những năm tháng bắt đầu bước vào nghề giáo.
Thời gian đi nhanh quá, mới ngày nào sau khi đất nước vừa được thống nhất. Năm 1976 một ngôi trường được mang tên Trường Trung học Vừa học vừa làm Hàm Thuận (ngày nay là Trường THPT Hàm Thuận Bắc) chính thức được thành lập. Nghe tên trường đã tạo rất nhiều ấn tượng cho những thầy cô giáo trẻ từ các miền, vùng của Tổ quốc về nhận công tác... biết bao gian khổ chồng chất của thầy và trò trong thời điểm đó. Trường đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử phát triển bởi vì từ khi mới thành lập đã phải di dời qua nhiều địa điểm khác nhau. Lúc ban đầu trường chiêu sinh được 2 lớp 10 và 11 (khoảng 40 học sinh) với tiêu chuẩn: Phải là con em có công với cách mạng, con em nông dân nghèo bởi vì tất cả các em đều có chế độ, học bổng hàng tháng. Suốt cả một thời gian dài cả thầy và trò lao vào cuộc chiến đấu với mô hình: Vừa học, vừa làm. Đối với các thầy cô giáo trẻ quá sức bỡ ngỡ, vừa lao động xây dựng trường vừa tuyển sinh để bắt đầu năm học mới 1977-1978. Phải nói rằng trường lúc này với một chuỗi thời gian vui, buồn đều pha trộn những gam màu độc đáo. Nhưng các thầy cô giáo trẻ yêu nghề, vượt khó; học sinh nơi đây hiền ngoan và chất phác với bộ áo bà ba quần đen đồng phục đối với các em nữ sinh, những bạn nam sinh mặc quần còn nhiều chỗ vá, thiếu thốn mọi thứ đặc biệt là nước sinh hoạt. Thôn An Phú - Hợp tác xã 2 Hàm Chính là cứu cánh cho giải pháp thiếu nước của các thầy cô và các em học sinh. Ngôi trường theo thời gian đã bắt đầu rũ rượi, lá khô lợp đã mục, tường gỗ cũng bắt đầu muốn xiêu theo chiều gió nam. Và cuối năm 1980, do tách huyện, Trường Trung học Vừa học vừa làm Hàm Thuận không còn nữa. Năm 1982, huyện Hàm Thuận tách thành 2 huyện: Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, cũng từ đó trường chính thức đổi tên là Trường THPT Hàm Thuận Bắc cho đến hôm nay.
Tôi về lại thăm nơi mình dạy học, chỉ còn 2 năm nữa trường tròn 50 năm, bỗng nhiên thấy rạo rực, tự hào với những đổi thay rõ rệt. Cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường tạo một không gian hài hòa, bắt mắt; đội ngũ thầy cô giáo, nhân viên của trường cũng đã có sự phát triển về số lượng, chất lượng. Đó có lẽ là sự tiếp nối 4 truyền thống nổi bật của ngôi trường Hàm Thuận Bắc suốt cả chặng đường gần nửa thế kỷ là: Tinh thần tôn sư trọng đạo; ý thức vươn lên học tập; lao động là lẽ sống; không chùn bước những khó khăn và thách thức. Truyền thống đó, các thế hệ thầy, trò hôm nay và cả mai sau mãi mãi tự hào khắc ghi.
Nhìn lại ngôi trường một lần nữa để chào tạm biệt, hẹn ngày thầy trò gặp nhau trong lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường (1976-2026). Hình như những cánh phượng hồng cũng đang vẫy chào một người đã từng gắn bó suốt 12 năm kể từ khi mới thành lập. Bài thơ của thầy Dương Thế Vinh (Bí thư Đoàn trường của năm học đầu tiên) như vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi: An Phú nơi bạn bè tôi gắn bó mái trường/Chia sẻ cùng nhau nhọc nhằn sớm tối/Cơn mưa chiều ướt căn phòng chật chội/Trang giáo án đêm đêm soi ánh sao trời…