Để có kết quả chuyển biến đó, một phần là sự phối hợp tuyên tuyền được quan tâm. Nhiều thông tin về các cơ sở vi phạm, hoặc sử dụng chất cấm được phối hợp phản ánh chặt chẽ, đặt biệt là trong “Tháng hành động vì ATTP” và những đợt cao điểm. Nhưng thực tế, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình chưa thực hiện tốt các quy định về ATTP như: chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy xác nhận kiến thức về ATTP, giấy khám sức khỏe người quản lý và trực tiếp chế biến thực phẩm. Các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhất là thức ăn đường phố, chợ, hàng rong, vỉa hè, ăn uống tập thể tại các bếp ăn tập thể, lễ hội, tiệc cưới... phát triển mạnh, khó kiểm soát hết về ATTP.
Các cơ quan chuyên môn cũng nhìn nhận, hiện vẫn chưa thể kiểm tra, kiểm soát hết và chặt chẽ. Thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, sử dụng phụ gia, hóa chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm nói chung và các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp nói riêng. Mở rộng hơn đó là tình trạng vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ còn nhiều hạn chế, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Thêm vào đó, là sự chủ quan của người dân trong nhận thức nên đã sử dụng thực phẩm có chứa các độc tố tự nhiên gây chết người.
Trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ ngộ độc: 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại xã Hòa Minh làm 1 người tử vong, nguyên nhân nghi ngờ do ăn ốc lạ có độc tố tự nhiên; 1 trường hợp tại xã Phước Thể, 1 người tử vong, nguyên nhân nghi ngờ do ăn cá nóc. Một trường hợp khác tại xã Bình Thạnh, nguyên nhân nghi ngờ cũng do ăn cá nóc. Những vụ ngộ độc này xuất phát từ nhận thức chủ quan của người dân trong việc sử dụng thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên gây chết người. Ngành y tế đã kiểm tra 1.170 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Có 263 cơ sở vi phạm. Phía ngành công thương kiểm tra 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chỉ có 1 cơ sở đạt, còn lại nhắc nhở 25 cơ sở. Những lần kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về ATTP nhằm giảm bớt rủi ro gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây qua đường thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về ATTP.
Đây là hành trình dài, nhằm góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của người tiêu dùng và cả những hộ kinh doanh sản xuất, vì thế rất cần sự phối hợp giữa các ngành, nhằm đảm bảo chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các địa phương. UBND tỉnh cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ vệ sinh ATTP tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Bên cạnh, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP, nhất là Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Qua đó, giúp người dân thay đổi hành vi bảo đảm ATTP của cả cơ sở sản xuất kinh doanh và nhân dân. Đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của người sản xuất trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP, đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Từ đó, mới có thể giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhất là những vụ ngộ độc tập thể tiềm ẩn nguy cơ rất cao.
Quang Nhân