Trong tháng đầu tiên của cuộc chiến, các nước EU đã áp đặt những biện pháp cứng rắn nhằm vào hệ thống tài chính và nền kinh tế Nga cũng như Tổng thống Putin và giới tài phiệt Nga.
Dù vậy, không giống như Mỹ, cho tới nay châu Âu vẫn phụ thuộc vào Nga về dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá để sưởi ấm vào mùa đông và duy trì các ngành công nghiệp.
"Chúng tôi sẽ không chiến tranh với chính mình. Các lệnh trừng phạt phải có ảnh hưởng lớn hơn với Nga so với chúng tôi", Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhận định tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Brussels với chủ đề chính là các lệnh trừng phạt và vấn đề năng lượng.
Lập trường của ông cũng tương tự như lập trường của một số quốc gia EU như Đức, Áo và Hà Lan. Tuy nhiên, lập trường này lại mâu thuẫn với các nước thành viên khác gần Nga khi những quốc gia này muốn thực hiện những hành động cứng rắn hơn với Moscow.
"Chừng nào còn tiếp tục mua năng lượng Nga thì chứng đó chúng ta còn đang cung cấp tài chính cho cuộc chiến này và đó là một vấn đề lớn", Thủ tướng Phần Lan Sauna Marin bình luận.
Cùng với các nhà lãnh đạo vùng Baltic, nhà lãnh đạo này đề nghị EU cần nhanh chóng hành động.
"Chúng ta phải tiếp tục cô lập nền kinh tế Nga để ngăn dòng tiền đổ vào cuộc chiến này. Lĩnh vực hợp lý nhất để thúc đẩy kế hoạch đó là dầu mỏ và than đá", Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nhận định với báo giới.
EU nhập khẩu 90% khí tự nhiên, được sử dụng để sản xuất điện, sưởi ấm và cung cấp cho các ngành công nghiệp, với nguồn cung từ Nga chiếm 40% lượng khí đốt của EU và 1/4 lượng dầu mỏ của liên minh này.
Thay vì cấm vận, Ủy ban châu Âu đề nghị hạn chế sự phụ thuộc của EU vào khí đốt Nga trong năm nay. EU đang đàm phán với Mỹ để đảm bảo việc cung cấp thêm khí tự nhiên hóa lỏng và cũng đang bắt đầu trao đổi với các nhà cung cấp khác.
Phát biểu với các nhà lãnh đạo EU qua video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn EU vì đã ủng hộ Ukraine và áp trừng phạt lên Nga, trong đó có quyết định của Đức khi chặn Nga cung cấp khí tự nhiên cho châu Âu qua đường ống dẫn khí mới Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích những biện pháp này không được thực hiện sớm hơn.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các nước châu Âu không muốn hợp tác với Nga về năng lượng "chỉ cần nói với người dân của họ ai đang phá hủy tài sản của họ và việc đó diễn ra như thế nào. Chúng tôi sẽ hợp tác với những người quan tâm đến việc đảm bảo an ninh năng lượng của mình".
Giá năng lượng tăng cao do sự thiếu hụt nguồn cung ở châu Âu trong nhiều tháng qua đã đẩy giá năng lượng tăng cao và sẽ trở nên tồi tệ hơn khi cuộc chiến ở Ukraine ảnh hưởng đến thị trường năng lượng.
Năm ngoái, lượng hàng hóa EU nhập khẩu từ Nga có giá trị khoảng 158,5 tỷ euro với nhiên liệu hóa thạch chiếm 62%, hay 98,9 tỷ euro, Ủy ban châu Âu cho hay.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng, các nước trong EU có sự chia rẽ quá lớn trước vấn đề trừng phạt năng lượng Nga, do đó chưa thể đưa ra một thỏa thuận về vấn đề này tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 24/3 vừa qua. Ông cũng nhấn mạnh về 4 vòng trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga trong tháng qua.
"Chúng tôi sẽ thảo luận về các lệnh trừng phạt nhưng tôi không cho là chúng tôi sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này. Đừng quên rằng các gói trừng phạt được thực hiện cho tới nay là những gói trừng phạt cứng rắn nhất mà tôi từng thấy trong cuộc đời mình với tư cách là một chính trị gia"./.