Đáng chú ý là không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn giảm so với các năm trước.
Tết Quý Mão 2023 có khá nhiều khác biệt so với những Tết trước; nhưng khác biệt rõ nhất, thể hiện trong sinh hoạt của từng gia đình, trong các bữa tiệc tất niên hay mừng năm mới, là sự tuân thủ triệt để quy định tuyệt đối không lái xe sau khi uống rượu bia, dù chỉ là chút xíu. Quy định này được áp dụng từ đầu năm 2020 khi Nghị định 100 (xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ và đường sắt) có hiệu lực, nhưng dường như chưa bao giờ lực lượng chức năng “làm gắt” như dịp Tết này.
Đội CSGT số 2 (Cục CSGT) kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Trong các bữa liên hoan cuối năm vừa qua, người từ chối uống rượu với lý do lái xe không còn vấp phải sự phản đối và ép uống như mọi khi. Mức phạt lên đến 40 triệu đồng, tước bằng lái tới 24 tháng khiến bất cứ “dân nhậu” nào cũng phải chùn bước khi biết rằng cảnh sát giao thông sẽ phạt thẳng cánh, giải pháp “gọi điện cho người thân” không còn tác dụng.
Nhiều người vốn tự hào vì quan hệ rộng, quen anh A, anh B “làm to” đã nhận được thông điệp của các anh từ tháng Chạp, rằng nếu vi phạm nồng độ cồn khi lái xe thì đừng gọi cho họ. Bản thân người viết, trong buổi họp mặt mừng năm mới cách đây mấy ngày, cũng chứng kiến anh bạn là sỹ quan công an dặn dò: “Lát nữa các cậu gọi taxi hoặc nhờ vợ tới đón nhé, nếu cứ lái xe về bị thổi là tớ chịu không xin hộ được đâu”.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, số vụ tai nạn giao thông và số ca tử vong do nguyên nhân này đều giảm đáng kể so với năm ngoái. So sánh với dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, khi chưa có Nghị định 100, sẽ thấy quy định “có chút xíu cồn cũng bị phạt nặng nếu lái xe” mang lại sự thay đổi lớn thế nào: Số vụ tai nạn giảm từ 276 xuống còn 152, số tử vong giảm từ 183 xuống 89, số bị thương từ 241 giảm còn 111 người.
Còn nhớ, quy định tuyệt đối cấm lái xe khi cơ thể có cồn từng bị chê là quá khắc nghiệt, không khoa học, với lý do lượng cồn phải đạt đến mức nhất định mới gây nguy hiểm. Các nước phương Tây cũng dựa vào luận cứ khoa học để định ra mức cồn “có thể chấp nhận”, không khiến thân chủ bị phạt nếu không có hậu quả xấu, thường là dưới 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở. Việt Nam trước đây cũng áp dụng mức này, nhưng số vụ và số nạn nhân của tai nạn giao thông vẫn cứ tăng.
Các con số chỉ quay đầu giảm từ khi lệnh “cấm cồn” tuyệt đối được áp dụng: Chỉ cần phát hiện cồn trong cơ thể là tài xế đã bị phạt, mức phạt tối thiểu dành cho tài xế có nồng độ cồn dưới 50 mg/100 ml máu hoặc dưới 0,25 mg/1 lít khí thở là 2- 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10 -12 tháng.
Hiệu quả rõ rệt của sự khắt khe, quyết liệt đã được thực tế chứng minh là phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, và nên được tiếp tục cho đến khi người Việt hình thành thói quen không uống rượu bia khi lái xe, nếu đã uống thì không lái, đến mức trở thành phản xạ tự nhiên. Đến khi đó hẵng tính đến “khoa học”, theo nghĩa chỉ phạt khi nồng độ cồn đạt con số nhất định. Mà nói cho cùng, cách chúng ta đang làm hiện nay chính là khoa học, bởi đã là khoa học thì phải tính đầy đủ các yếu tố. Trong đó, thói quen, văn hóa sinh hoạt, văn hóa giao thông, tính cách đặc thù… của người dân trong từng giai đoạn cụ thể là yếu tố quan trọng phải xem xét khi ban hành các quy định.
Ở Việt Nam, tính khoa học của quy định cấm tuyệt đối rượu bia khi lái xe đã thể hiện rõ qua các con số. Đặc biệt, đó không phải những con số vô hồn, mà chính là mạng người.