Tăng từ 25% trở lên
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, trong những ngày đầu làm việc trở lại, các bệnh viện, trung tâm y tế tiếp nhận lượng bệnh nhân khá đông. Đơn cử tại Trung tâm Y tế Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc, số bệnh nhân đến khám trung bình khoảng 600 ca/ngày, tăng so với ngày trước tết, chủ yếu các bệnh mãn tính. Đến thời điểm này, số bệnh nhân giảm dần. Còn Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận tiếp nhận 834 ca bệnh ngoại trú vào ngày 27/1, 1.028 ca vào ngày 30/1. Số bệnh nhân điều trị nội trú trung bình khoảng 600 ca/ngày. So với thời điểm trước tết, số bệnh nhân khám, điều trị tăng từ 25% trở lên. Phần lớn các bệnh là bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, viêm phế quản mãn tính, rối loạn tiêu hóa… và các bệnh lý về xương khớp.
Ông T. T. L. (Phú Thủy, Phan Thiết), bệnh nhân khám ngoại trú tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Vốn dĩ tôi có bệnh tiểu đường, vui với con cháu, bạn bè vào những ngày tết, tôi ăn uống cũng thoải mái, không có kiêng cử. Sau tết thuốc vừa hết, tôi cảm thấy mệt, chóng mặt nhiều hơn. Tôi đi khám ngay khi bệnh viện hoạt động trở lại".
Tương tự, Bệnh viện An Phước tiếp nhận khám, điều trị ngoại trú 699 ca vào ngày 27/1, 730 ca vào ngày 30/1. Sau ngày nghỉ tết, số bệnh nhân tương đối tăng hơn so với những ngày trước tết; chủ yếu bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phế quản, đái tháo đường… Chị N. T. M. (Phan Thiết), khám bệnh ngoại trú tại Bệnh viện An Phước, chia sẻ: “Tôi ho, sốt, chảy nước mũi, tự mua thuốc uống, nhưng không thấy có dấu hiệu giảm ho. Khi đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm phế quản và được kê đơn thuốc điều trị ngoại trú”.
Nhiều lý do
Theo Trung tâm Y tế Phan Thiết, dịp lễ, tết, không ít người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch… (bệnh không lây nhiễm) ăn uống thoải mái, lạm dụng nhiều rượu, bia, ít tập luyện thể dục vào những ngày nghỉ tết… dễ dẫn đến bệnh bùng phát. Các bệnh nhân mắc bệnh này phải đi khám lại khá đông sau nghỉ tết. Thông qua việc khám bệnh sớm, bác sĩ kịp thời phát hiện những thay đổi bất thường của cơ thể để phòng tránh trở nặng và biến chứng.
Bác sĩ Võ Xuân Lộc - Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện An Phước) cho biết: Trước và sau tết, tỷ lệ bệnh viêm đường hô hấp tăng lên tương đối cao do thời tiết chuyển lạnh; đặc biệt bệnh suyễn, viêm phế quản mãn tính dễ bị bùng phát trong thời điểm này. Sau Tết Nguyên đán, bệnh cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, suy tim tăng hơn. Trong thời gian nghỉ tết, bệnh nhân có bệnh nền huyết áp cao không tuân thủ tốt chế độ ăn uống, tập luyện dẫn đến huyết áp cao thêm ảnh hưởng tim mạch, đau ngực, thiếu máu cơ tim, suy tim khó thở… phải nhập viện sớm hơn so với bình thường. 80% bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường có lượng đường cao bất thường; một số bệnh nhân phải nhập viện vì lượng đường quá cao. Mặt khác, người bệnh không chuẩn bị thuốc vào dịp nghỉ tết, dẫn đến huyết áp tăng, ảnh hưởng tim mạch, lượng đường cũng tăng. Tuần đầu tiên sau tết, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm.
Để phòng các bệnh được đề cập tránh trở nặng và biến chứng, bác sĩ Lộc khuyến cáo người mắc bệnh không lây nhiễm (huyết áp, tim mạch, tiểu đường) không được ngưng thuốc điều trị; phải tuân thủ chế độ ăn kiêng, tập luyện đều đặn hàng ngày trong quá trình điều trị. Chẳng hạn, mắc bệnh cao huyết áp thì kiêng ăn béo, mặn; mắc bệnh tiểu đường kiêng ăn ngọt, tinh bột… Với người mắc bệnh suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh. Nếu không giữ ấm cơ thể, người bệnh dễ khởi phát ho, khó thở và nhiễm trùng hô hấp. Người mắc bệnh suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hạn chế hút thuốc lá; phải chuẩn bị thuốc phòng ngừa để kiểm soát, ngăn ngừa bệnh trở nặng.