Theo dõi trên

Vì sao chợ truyền thống buôn bán ế ẩm?

18/05/2017, 08:44

BT- Tình trạng buôn bán ở các chợ truyền thống trong TP. Phan Thiết nói chung và ở các huyện, thị nói riêng đang rơi vào cảnh ế ẩm. Nhiều tiểu thương buộc phải chọn giải pháp sang sạp, đóng cửa và chuyển đổi ngành nghề. Có lẽ sự phát triển của hệ thống mua hàng hiện đại, cửa hàng tạp hóa và sự bùng nổ chợ “cóc” khiến chợ truyền thống ngày càng khó khăn để níu chân người tiêu dùng.

                
   Nhiều kiot ở chợ Phan Thiết đóng cửa, cho    thuê.

Chợ “cóc” vây quanh

Điểm lại các chợ lớn, nhỏ ở TP. Phan Thiết đều có sự hiện diện của chợ tự phát. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chợ truyền thống ngày càng đìu hiu. Dạo quanh một vòng chợ Phan Thiết, chợ Phú Thủy, chợ Phường… mọi người đều có thể dễ dàng thấy những hình ảnh trái ngược khi tiểu thương trong chợ ngáp ngắn ngáp dài, còn chợ tự phát luôn tấp nập người mua. Nếu trước đây, các tiểu thương tranh nhau có được 1 sạp bán trong chợ, thì nay các kiot “đua nhau” đóng cửa cũng là điều khó tránh khỏi, khi người bán nhiều hơn người mua. Chị Trần Nhật Linh – một trong những tiểu thương còn cầm cự buôn bán nhang đèn khu B trên lầu ở chợ Phan Thiết nói: “Ngồi cả ngày nhiều khi không bán được người khách nào, tầng trên và tầng dưới cùng bán một mặt hàng thì làm sao trên lầu chúng tôi bán được. Nếu không nhờ những mối mua sỉ thì tôi cũng đóng cửa lâu rồi”.

Không riêng gì chợ Phan Thiết, chợ Phú Thủy được xem là chợ sầm uất nhất từ trước đến nay cũng đang rơi vào tình trạng ế ẩm. Chủ sạp hàng gia vị cô Lộc (chợ Phú Thủy) không thể cạnh tranh nổi với các quầy hàng tự phát ở xung quanh chợ đành phải đóng cửa cả tháng nay. Nhiều kiot gần đó cũng treo bảng sang sạp hoặc cho thuê nhưng chẳng ai còn can đảm sang lại khi tình hình buôn bán ngày một khó khăn. Chị Mười – chủ quầy hàng bán đồ trẻ em trong chợ Phú Thủy than thở: “Chợ ế ẩm lắm em ơi! Chị mới sang lại kiot này 140 triệu đồng nhưng đến năm 2023 là hết hạn rồi. Những kiot bán giày dép, quần áo bên cạnh cũng không còn làm ăn được nữa”. Cùng chung tâm trạng ấy là tiểu thương Võ Thị Tám đã có hơn 20 năm kinh doanh tại chợ này cho biết: “Trước đây, có 2 người phụ bán không kịp nghỉ tay, nhưng nay chợ vắng thấy rõ. Nhiều cửa hàng tạp hóa mọc lên, chợ tự phát dọc đường Lê Văn Phấn lại không dẹp được thì tiểu thương trong chợ chỉ có “chết”. Chúng tôi mất khoảng 50% doanh thu so với trước”.  

Chợ online cạnh tranh

Sự phát triển của các siêu thị và hệ thống bán lẻ hiện đại đã làm người tiêu dùng thay đổi dần thói quen đi chợ mỗi ngày. Thêm vào đó, kinh doanh qua mạng xã hội đang phát triển chóng mặt, do trốn thuế, không tốn tiền thuê mặt bằng với nhiều hình thức khuyến mãi, giá cả rẻ hơn, giao tận nơi… Điều đó cũng góp phần khiến chợ truyền thống vắng khách. Nhiều người bảo rất ngại đi chợ vì sợ nói thách, sợ trả giá, sợ mua lầm trong khi hàng hóa ở siêu thị được niêm yết giá và có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Do đó, các tiểu thương ở chợ truyền thống cần thay đổi thái độ, cung cách phục vụ mới mong tìm lại nguồn khách hàng cho riêng mình. Và để cạnh tranh, những ai kinh doanh mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách, vải… đều phải dựa vào kênh facebook quảng bá thêm, dù trước đây họ không biết gì về công nghệ.

Bên cạnh đó việc quy hoạch chợ, phân bổ các gian hàng không đúng, không phù hợp cũng là một nguyên nhân khiến chợ không “hấp dẫn” người tiêu dùng. Bên cạnh những bất cập ở chợ Phan Thiết khiến nhiều tiểu thương lao đao, “phá rào” buôn bán sai quy hoạch, thì chợ Phú Thủy mở rộng cũng rơi vào trường hợp tương tự. Đã hơn 2 năm kể từ ngày khánh thành nhưng tiểu thương vẫn chưa chịu vào lồng chợ buôn bán dù chi phí xây chợ đều do các tiểu thương đóng góp. Quy hoạch phân lô không phù hợp, không buộc các tiểu thương ký hợp đồng sau khi chợ khánh thành là những hạn chế mà chủ đầu tư chợ mắc phải.

Với quyết tâm vận động các tiểu thương vào chợ trong dịp Tết Bính Thân năm 2016 vừa qua, đến nay chỉ có vài tiểu thương mở bán nhưng ế ẩm quá cũng đành đóng cửa. Trước thực trạng trên, UBND phường và BQL chợ Phú Thủy đã phát thông báo, nếu hết tháng 5/2017, các tiểu thương không vào chợ mới buôn bán thì ngành chức năng không chịu trách nhiệm về việc xuống cấp của các kiot và sẽ tính hợp đồng từ ngày chợ khánh thành. Những tiểu thương không có nhu cầu thật sự sẽ bị thu hồi, tạo điều kiện cho những hộ khác vào chợ buôn bán.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao chợ truyền thống buôn bán ế ẩm?