Theo dõi trên

Vì sao doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT cho người lao động vẫn còn?

13/12/2023, 05:46

Theo BHXH tỉnh Bình Thuận, đến 30/9/2023, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thu là 164,9 tỷ đồng; trong đó: Chậm đóng BHXH là 140,166 tỷ đồng, chậm đóng BHYT là 18,809 tỷ đồng, chậm đóng BHTN là 4,698 tỷ đồng, chậm đóng BHTNLĐ-BNN là 1,227 tỷ đồng.

Chậm đóng cả trăm tỷ đồng

Qua tìm hiểu của ngành chức năng, việc chậm đóng bởi các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động; một số doanh nghiệp giảm mức tiền lương đóng BHXH, BHYT của người tham gia. Số tiền và tỷ lệ chậm đóng phải thu BHXH, BHYT, BHTN cao chủ yếu do các nguyên nhân sau: Một bộ phận chủ doanh nghiệp chưa ý thức hết trách nhiệm của mình trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nên chưa kịp thời đóng tiền phát sinh hàng tháng; số tiền chậm đóng phải thu dưới 3 tháng là 33,401 tỷ đồng, chiếm 20,3% số tiền chậm đóng phải thu.

Doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT sẽ ảnh hưởng quyền lợi người lao động.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng, để tiền chậm đóng kéo dài (trong đó chậm đóng kéo dài từ 3 tháng trở lên là 93,595 tỷ đồng, chiếm 56,8% trên tổng số tiền chậm đóng). Có nhiều doanh nghiệp chậm đóng với số tiền lớn và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; đặc biệt trong đó có 15 đơn vị chậm đóng số tiền từ 1 đến trên 9 tỷ đồng/đơn vị với tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng. Được biết, các đơn vị này đã được thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn chưa khắc phục.

Hiện tại, toàn tỉnh có 169 đơn vị phá sản, giải thể, mất tích, ngừng hoạt động với tổng số tiền chậm đóng 13,170 tỷ đồng chiếm 8% trên tổng số tiền chậm đóng nhưng chưa có văn bản hướng dẫn xử lý. Qua rà soát, hiện còn trên 500 đơn vị ngừng giao dịch với cơ quan BHXH, với số tiền chậm đóng 8,5 tỷ đồng, cơ quan BHXH tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát và lập hồ sơ đơn vị ngừng hoạt động theo quy định.

Như vậy, số tiền chậm đóng phải thu 164,9 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước 26,725 tỷ đồng, tương ứng tăng 19,3%; tỷ lệ chậm đóng phải thu 5,5%, cao hơn 0,7% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao (4,8%).

Cần xử lý theo pháp luật

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 (sửa đổi tại Quyết định 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020) quy định về thời hạn đóng BHXH của doanh nghiệp như sau: Trường hợp đóng hàng tháng: Chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước. Trường hợp đóng 3 tháng/lần hoặc 6 tháng/lần: Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đăng ký phương thức đóng 3 hoặc 6 tháng một lần với cơ quan BHXH; Cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan lao động kiểm tra tại đơn vị trước khi quyết định phương thức đóng của đơn vị. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.

Như vậy, nếu doanh nghiệp chậm đóng BHXH so với thời hạn ở trên thì sẽ vi phạm về hành vi chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tại khoản 3 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và xử lý theo khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau: Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải: Nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Từ quy định trên thì doanh nghiệp có thể nợ BHXH dưới 30 ngày. Nếu có hành vi chậm nộp BHXH từ thời gian 30 ngày trở lên thì phải nộp đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng, nộp lãi và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước thực trạng trên, BHXH tỉnh báo cáo UBND tỉnh về tình hình chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh và kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị khắc phục tình trạng chậm đóng có xu hướng tăng. Đồng thời mời đơn vị sử dụng lao động chậm đóng đến làm việc hoặc đôn đốc trực tiếp đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên; phối hợp với Tổ công tác Liên ngành tỉnh/huyện thanh tra, kiểm tra các đơn vị chậm đóng kéo dài với số tiền lớn. Thực hiện thanh tra đột xuất các đơn vị chậm đóng, các đơn vị không khắc phục sau thanh tra…

NHƯ NGUYỄN; ẢNH ĐÌNH HÒA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nhân rộng mô hình thông báo lưu trú phần mềm ASM
Thông báo lưu trú qua phần mềm ASM giúp cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở lưu trú nhiều tiện ích trong thực tiễn, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn.
Nổi bật
Sản xuất lúa “Cánh đồng không dấu chân”
Thông qua mô hình sản xuất lúa “Cánh đồng không dấu chân” nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như sạ cụm, phun thuốc bằng máy bay trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương. Ngoài ra, mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thân thiện với con người, môi trường…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT cho người lao động vẫn còn?