Theo dõi trên

Vì sao kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2024 hiện rất khó đoán?

22/10/2024, 08:51

Chỉ còn gần 2 tuần là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ 2024, nhưng giới quan sát chưa thể đưa ra dự đoán về kết quả vì một số lí do.

Đảng Dân chủ đang nỗ lực thúc đẩy những người ủng hộ đi bỏ phiếu sớm nhằm tối đa hóa lợi thế ban đầu của bà Harris, do lo ngại hiệu ứng truyền thông của đảng Cộng hòa và khả năng “phản thùng” của nhóm cử tri xác định theo “đảng xanh” trong ngày bầu cử.

Phó Tổng thống Harris và những người ủng hộ đã đi khắp đất nước trong tuần này, tập trung vào các tiểu bang chiến trường quan trọng nơi kỳ bỏ phiếu sớm đã bắt đầu hoặc sắp bắt đầu. Người đồng hành tranh cử của bà, Thống đốc Minnesota Tim Walz, đã đến Bắc Carolina vào ngày đầu tiên của kỳ bỏ phiếu sớm tại bang này, trong khi chồng bà, ông Doug Emhoff cũng có mặt tại Georgia để kêu gọi cử tri xuất hiện tại điểm bầu cử.

Điểm đáng ngạc nhiên là đảng Cộng hòa cũng có động thái tương tự, dù trước đó ứng viên đại diện Donald Trump và nhiều ứng viên Cộng hòa từng chỉ trích một số phương pháp bỏ phiếu sớm, bao gồm cả việc sử dụng rộng rãi các thùng bỏ phiếu vì lo sợ gian lận kiểm phiếu. Chuyến thăm Georgia mới nhất của cựu Tổng thống vào ngày 15/10 trùng với thời điểm bắt đầu bỏ phiếu sớm tại bang này. Trong một bài đăng trên mạng xã hội mới đây, ông Trump cũng kêu gọi người dân Arizona đi bỏ phiếu “ngay lập tức” trong tuần sau đó.

Theo ông Julian Zelizer - Giáo sư lịch sử và quan hệ công chúng tại Đại học Princeton (Mỹ), dù không có nhiều tác động đến cuộc đua vào Nhà Trắng, việc bỏ phiếu sớm vẫn cho phép các chiến dịch theo dõi những người đã bỏ phiếu và tập trung vận động nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định. Điều này giúp hai ứng viên nâng cao tiềm năng chiến thắng trong một một cuộc đua sít sao mà kết quả cuối cùng có thể được định đoạt chỉ với vài lá phiếu.

Bài toán cử tri đoàn

Một trong những lý do khiến cuộc đua vào Nhà Trắng trở nên khó đoán định là quy tắc bầu cử theo cử tri đoàn. Ứng cử viên tổng thống nào có được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri, tức là trên 50% trong số 538 phiếu đại cử tri, sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ. Ở 48 bang của Mỹ, người giành chiến thắng trên toàn bang sẽ nhận được tất cả phiếu đại cử tri của bang đó. Riêng ở hai bang Maine và Nebraska, ứng cử viên nhận được nhiều phiếu bầu nhất ở mỗi khu vực bầu cử sẽ giành được một phiếu đại cử tri của khu vực đó và chiến thắng trên toàn bang tiếp tục mang về thêm hai phiếu đại cử tri cho ứng viên này.

Hiện cả ông Trump và bà Harris đều không có nhiều lợi thế vượt trội hẳn hơn so với đối thủ dựa trên dữ liệu cấp tiểu bang. Theo thống kê mới nhất của đài CNN, tính riêng trên các bang trung thành, bà Harris bắt đầu với 225 phiếu đại cử tri so với 219 phiếu của ông Trump. 90 phiếu đại cử tri từ 7 tiểu bang dao động (Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Wisconsin, Pennsylvania) và một phiếu đại cử tri ở Quận 2 của Nebraska vẫn chưa xác định đươc chủ nhân.

Đối với bà Kamala Harris, con đường ngắn nhất dẫn đến phòng Bầu dục là chiến thắng tại các tiểu bang “bức tường xanh”, bao gồm: Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Trong trường hợp để thua ở Vành đai chiến trường Sun Belt (Arizona, Georgia, Nevada và Bắc Carolina), Phó Tổng thống buộc phải đi đường vòng qua ít nhất 3/5 tiểu bang thuộc khu vực Great Lakes, tiến tới Quận 2 của Nebraska và giành được sự ủng hộ từ các tiểu bang khác từng bỏ phiếu Tổng thống Joe Biden vào năm 2020.

Trong khi đó, chiến thắng chiến thắng ở 3 bang miền Đông - Pennsylvania, North Carolina và Georgia có nhiều khả năng sẽ mang lại cho ông Trump nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng. Chiến dịch tranh cử của Tổng thống cũng “khóa” mục tiêu vào ba chiến địa quan trọng kể trên, với khoảng ¼ trong số 435 USD tiền quảng cáo toàn chiến dịch được đổ vào khu vực này.

Đặc biệt, Pennsylvania – tiểu bang dao động quan trọng nhất đối với lưỡng đảng lại đang mắc kẹt trong thế hòa về mặt thống kê. Trung bình các cuộc thăm dò về tỷ lệ ủng hộ ở bang chiến địa sở hữu tới 19 phiếu đại cử tri này cho thấy, khoảng cách giữa ông Trump và bà Harris chỉ dưới một điểm phần trăm. Đây là khoảng cách sát nút chưa từng thấy giữa hai ứng viên đại diện đảng lớn tại cuộc đua quan trọng nhất nước Mỹ trong ít nhất nửa thế kỷ trở lại đây.

Tín hiệu khó đoán từ các cuộc thăm dò dư luận

Thế bám đuổi sít sao đã xuất hiện kể từ khi Phó Tổng thống chính thức tham gia tranh cử hồi đầu tháng 7. Cặp đôi Trump-Harris chưa từng dẫn trước đối thủ ở bất kỳ tiểu bang nào kể trên trong khoảng 5 điểm phần trăm trở lên - một khoảng cách đủ để các nhà quan sát đưa ra "một dự đoán đáng tin cậy" về khả năng thắng cử của họ.

“Mỗi khi có một tín hiệu tốt dành cho ông Trump thì lại có một tín hiệu tốt khác dành cho bà Harris. Thực tế này khiến tôi không thực sự chắc chắn về kết quả, dù ngày bầu cử chỉ còn cách khoảng 2 tuần nữa”, ngòi bút chuyên về chính trị Mỹ Harry Enten của đài CNN nhận định.

Nhiều đảng viên Cộng hòa cho rằng kết quả khảo sát trước thềm bầu cử “chưa nói lên điều gì”. Trên thực tế, trong cuộc bầu cử Mỹ 2016, ông Donald Trump thua bà Hillary Clinton 2,1 điểm ở phiếu phổ thông, nhưng thắng phiếu đại cử tri là 304-227 nhờ chiến thắng sít sao ở nhiều bang. Nếu lịch sử lặp lại, ông có khả năng sẽ dễ dàng giành chiến thắng với hơn 300 phiếu đại cử tri.

Tuy nhiên, nguy cơ cựu Tổng thống thất cử lại xuất phát từ chính nội bộ đảng do vẫn có một bộ phận đảng viên Cộng hòa công khai phản đối ông Trump. Theo cuộc thăm dò gần đây nhất của New York Times/Siena College tại Pennsylvania, tỷ lệ ủng hộ của cử tri Dân chủ dành cho bà Harris có phần áp đảo tỷ lệ ủng hộ của cử tri Cộng hòa dành cho ông Trump, khiến bang này có nhiều khả năng sẽ được “nhuộm xanh” trên bản đồ bầu cử năm nay.

Ông Trump đang tranh thủ vận động sự ủng hộ từ nhóm cử tri người Mỹ gốc Ả Rập ở Michigan khi nhóm này bất đồng với chính sách của đảng Dân chủ cầm quyền liên quan đến cuộc chiến ở Gaza. Trong khi đó, bà Harris tập trung vào nhóm cử tri trí thức, cử tri thuộc tầng lớp trung lưu và đặc biệt là cử tri nữ. Nhìn chung, dù không phải là vấn đề thu hút nhiều sự chú ý nhất hiện nay, quyền tự do sinh sản vẫn được xem là con át chủ bài có thể mang lại chiến thắng cho đảng Dân chủ.

Hơn 2/3 số cử tri đã đồng ý đi bỏ phiếu vào tháng 11 tin rằng đây là cuộc bầu cử “quan trọng nhất trong cuộc đời”, bao gồm 72% người ủng hộ ông Trump và 70% người ủng hộ bà Harris. Trớ trêu thay, 1/3 số cử tri chưa đưa ra quyết định có thể sẽ quyết định kết quả đường đua năm nay. 

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bầu cử Mỹ 2024: Số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm ở bang chiến địa Georgia lập kỷ lục
Nhiều cử tri ở bang Wisconsin, Mỹ, tuần trước đã nhận được một số tin nhắn có nội dung yêu cầu họ “không được đi bỏ phiếu ở nơi bản thân không đủ điều kiện”.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2024 hiện rất khó đoán?