Theo dõi trên

Vì sao một số “tàu 67” hoạt động chưa hiệu quả?

06/11/2018, 08:54

BT-  Nghị định 67 sau 4 năm triển khai thực hiện với những vướng mắc ban đầu đã kịp thời  tháo gỡ, đến nay đã đưa chính sách ấy đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào sự phát triển nghề cá theo hướng xa bờ và hiện đại. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số tàu hoạt động chưa thật sự hiệu quả.

                
Đóng tàu mới. Ảnh: Đình Hòa

 Tàu đóng mới đạt chất lượng cao

Đến thời điểm này, số lượng  “tàu cá 67” đóng mới tăng thêm 114 chiếc, với tổng công suất 79.026 cv (bình quân gần 700 cv/chiếc). Lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh, ngư dân đã mạnh dạn sử dụng tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới (composite),  đầu tư công  nghệ  bảo quản tiên tiến, du nhập đầu tư phát triển một số nghề mới có phương thức đánh bắt hiện đại như nghề mành chụp 4 tăng gông, lưới rê với trang thiết bị hiện đại, sử dụng hầu hết máy móc chuyên dùng chính hãng (động cơ thủy mới 100%, máy làm đá vẩy từ nước biển, máy dò cá quét ngang Sonar, tời thủy lực, cụm diesel - máy phát điện đồng bộ...). Nhờ đó đã cơ giới hóa hoạt động khai thác, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch và độ an toàn cho tàu cá khi hoạt động trên biển, nghề cá của địa phương đã từng bước hiện đại hóa.

Theo UBND tỉnh, tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đều bảo đảm chất lượng, chưa xảy ra trường hợp nào bị sự cố kỹ thuật do thi công làm gián đoạn hay ngưng trệ sản xuất. Nhưng cũng trong thời gian qua, có ít nhất là 5 tàu bị tổn thất toàn bộ (100%), cụ thể 3 tàu đóng mới và 1 tàu nâng cấp bị tai nạn cháy chìm trên biển, 1 tàu đóng mới bị nước ngoài bắt giữ tịch thu tàu. Qua kiểm tra, số tàu đang hoạt động bình thường là 108 chiếc (96,4%), số tàu nằm bờ không hoạt động là 4 chiếc (3,6%). Tuy nhiên, số tàu hoạt động có lãi 40 chiếc (37%); 33 chiếc huề vốn (30,5%) và đang bị thua lỗ 35 chiếc (32,5%).

 Đâu là nguyên nhân?

Theo nhận định của UBND tỉnh, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, ngân hàng và các cơ quan chuyên ngành thủy sản còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ trong quá trình xét duyệt chủ tàu tham gia chương trình đóng mới, nâng cấp cũng như trong quá trình thẩm định cho vay đầu tư theo Nghị định 67. Vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiều chủ tàu đã gặp không ít khó khăn. Ngư dân lúng túng, từ khâu lập phương án sản xuất, lựa chọn thiết kế kỹ thuật, trang thiết bị, tính toán giá thành, tổ chức giám sát thi công... nên đã làm cho tàu cá đầu tư chưa đồng bộ, thời gian thi công bị kéo dài, giải ngân không theo tiến độ thi công, làm tăng chi phí giá thành đầu tư. Ngoài ra, còn có một số chủ tàu không đủ năng lực tài chính, trình độ kinh nghiệm quản lý sản xuất còn nhiều hạn chế nhưng vẫn tham gia chương trình với số vốn vay lên đến hàng chục tỷ đồng dẫn đến mất khả năng quản lý, cân đối tài chính làm phát sinh và tiềm ẩn nợ xấu. Tàu cá nằm bờ hoặc hoạt động kém hiệu quả kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chính sách tại địa phương.

Ngư dân dù lập phương án vay vốn vẫn chưa hiểu và nhận thức chưa đúng về chính sách hỗ trợ phát triển tàu cá xa bờ của Chính phủ nên còn chủ quan, thiếu trách nhiệm trong thực hiện đầu tư, tổ chức quản lý sản xuất và thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay ngân hàng. Chính sách đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 vẫn còn nhiều bất cập, cùng tham gia chương trình nhưng có tàu được miễn lệ phí trước bạ (tàu khai thác), có tàu lại phải đóng trước bạ (tàu dịch vụ khai thác xa bờ) tạo tâm lý so bì không công bằng giữa các ngư dân tham gia chương trình, gián tiếp làm tăng giá thành đầu tư. Cụ thể, việc thực hiện chính sách miễn thuế VAT trong đóng mới, nâng cấp tàu cá chưa được hướng dẫn rõ ràng, minh bạch nên nhiều cơ sở thực hiện đóng mới, nâng cấp áp dụng không thống nhất, cố tình trục lợi cũng đã gây không ít khó khăn và làm tăng thêm giá thành đầu tư cho các chủ tàu. Mặt khác, số lượng tàu cá lại phát triển quá nhanh làm gia tăng cường lực khai thác trên các vùng biển trong khi nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm. Vì vậy, ngoài một số ít tàu cá hoạt động có thu nhập để trả nợ vay ngân hàng, phần lớn chủ tàu phải dùng nguồn tiền từ chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc từ nguồn thu nhập khác để trả nợ. 

    
    Đến hết   31/12/2017, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp   tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tổng cộng 187 trường hợp. Trong đó,   phê duyệt đăng ký đóng mới 156 chiếc, gồm 44 chiếc DVTS và 112 chiếc   khai thác xa bờ. Nâng cấp tàu cá xa bờ 31 chiếc.  Trong 114 tàu cá được   đóng mới, có 18 tàu cá vỏ thép, 8 tàu cá vỏ composite và 88 tàu cá vỏ   gỗ… Phú Quý là địa phương có số lượng tàu đóng mới nhiều nhất, so với   Phan Thiết, La Gi và Tuy Phong.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao một số “tàu 67” hoạt động chưa hiệu quả?