Theo dõi trên

Vì sao nhiều ca bệnh Covid-19 tử vong?

19/08/2021, 16:57

 BTO- Với đợt dịch lần này từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca mắc Covid-19 tại Bình Thuận tăng cao, ghi nhận nhiều ca tử vong. Số bệnh nhân tử vong do nhiễm Covid-19  trở bệnh diễn tiến nặng khá nhanh, nên y, bác sĩ chỉ làm hết những khả năng có thể.  

Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Trở nặng nhanh và tử vong

Bình Thuận hiện có hàng chục ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày và số ca mắc liên tục tăng. Tính đến sáng 19/8, toàn tỉnh ghi nhận 1.564 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, cao nhất là thị xã La Gi 1.150 ca, Phan Thiết 228 ca, số ca nhiễm còn lại ở các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh Linh, Bắc Bình và Tuy Phong.

 Đáng chú ý, trong vài ngày gần đây, số ca mắc có chiều hướng đi xuống và đi ngang theo dạng biểu đồ hình sin. Với số ca mắc trên, số ca tử vong do bệnh này cũng được ghi nhận. Chỉ trong tháng 8 này, toàn tỉnh ghi nhận 14 ca tử vong, gồm 9 ca ở Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi, 1 ca ở Bệnh viện Chợ Rẫy và 4 ca thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Các trường hợp tử vong đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường… trong độ tuổi từ 50 trở lên.

Từ khi bắt đầu được phát hiện để điều trị cách ly cho đến lúc tử vong, bệnh nhân có số ngày điều trị cao nhất là 18 ngày và ít nhất là 4 ngày. 

Chẳng hạn, trường hợp nữ bệnh nhân thuộc phường Phú Trinh (Phan Thiết) vào điều trị tại Cơ sở điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện Y học Cổ truyền - Phục hồi Chức năng tỉnh vào ngày 12/8.

Tình trạng bệnh nhân tỉnh tiếp xúc được, nhưng khó thở phải dùng oxy qua mask (mặt nạ oxy). Đến ngày thứ hai (13/8), bệnh nhân diễn biến trở nặng hơn được chuyển viện đến Bệnh viện đa khoa tỉnh. Kết quả chụp X-quang phổi đã mờ thâm 2 bên. Bác sĩ hồi sức tích cực, nhưng không hiệu quả và đến ngày 16/8 thì tử vong.

Từ khi phát hiện điều trị bệnh đến thời điểm tử vong chỉ trong vòng 4 ngày. Với chẩn đoán là suy hô hấp độ 3, viêm phổi nguy kịch sốc nhiễm trùng do Covid-19 và bệnh đái tháo đường. 

Trước đó, là trường hợp nam bệnh nhân ở phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết. Sau tuần lễ điều trị tại Cơ sở điều trị Covid-19, bệnh nhân có dấu hiệu tiến triển nặng, được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận vào ngày 6/8/2021.

 Ban đầu nhập viện, bệnh nhân tỉnh tiếp xúc được, có triệu chứng, sốt, ho, đau họng. Tình trạng suy hô hấp cấp độ 2 - 3, kết quả X-quang 2 phổi mờ, không đồng nhất. Bệnh nhân được bác sĩ tích cực điều trị nhưng không qua khỏi và tử vong vào ngày 12/8.

Bác sĩ Ngô Lương Lam Kiều - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bình Thuận cho biết: Đợt dịch trước, các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện không bị suy hô hấp. Đợt dịch này, hầu hết bệnh nhân bị viêm phổi, tổn thương phổi từ nhẹ đến nặng, suy hô hấp rất nhanh. Có thể là đặc thù của chủng vi rút đợt này. Bệnh nhân lớn tuổi, kèm theo bệnh nền, tình trạng diễn biến bệnh khá nhanh dẫn đến tử vong.

 Nếu như bệnh nhân lúc nhập viện còn tỉnh táo, tiếp xúc được, sau đó người bệnh có dấu hiệu suy hô hấp, SPO tụt xuống. Mặc dù can thiệp thở máy và điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, nhưng 4 ca bệnh ấy không qua khỏi. Hiện tại, có 9 ca nhiễm Covid-19 đang điều trị tại Khoa nhiễm. Trong số đó, có 3 ca tạm ổn, 6 ca bị tổn thương phổi từ nhẹ đến nặng gồm 3 ca đang thở oxy dòng cao và 3 ca đang thở oxy qua mask. 

 Không dễ chuyển tuyến

Từ số liệu trên cho thấy mỗi ngày Bình Thuận đều ghi nhận vài chục ca nhiễm với tổng số mắc cao. Dù ngành y tế tỉnh chưa xác định được chủng vi rút lây lan tại địa phương là chủng nào, nhưng vẫn xem đây là biến chủng mới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng biến thể Delta mới không những có tốc độ lây lan rất nhanh mà còn làm gia tăng gấp đôi nguy cơ trở bệnh nặng của bệnh nhân Covid-19 so với các biến chủng khác.

Theo đó, so với tỷ trọng các biến thể khác, tỷ trọng của biến thể này nhẹ hơn. Vi rút có thời gian di chuyển trong không khí trước khi rơi để bám vào bề mặt tiếp xúc. Vì thế, biến thể mới này dễ lây hơn với tốc độ nhanh, với chu kỳ lây bệnh ngắn.

 Nhiều trường hợp, chỉ cần tiếp xúc gần, không trực tiếp, bệnh dịch vẫn có thể lây lan mạnh. Các ca bệnh được phát hiện chủ yếu là người có tiếp xúc gần với các F0 như người trong gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm…

Thêm vào đó, Bình Thuận không có bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm như ở các tỉnh, thành khác. Chỉ có Khoa nhiễm thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh. Bệnh viện là tuyến cuối của tỉnh thuộc hạng 2, được phân công điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng trong tỉnh.

Hiện tại, Khoa nhiễm được đầu tư hệ thống oxy trung tâm, trang bị 5 máy thở oxy dòng cao dành cho bệnh nhân không đáp ứng thở oxy qua mask, 3 máy thở xâm lấn dành cho bệnh nhân không đáp ứng với máy thở oxy dòng cao, được tăng cường nhân lực y, bác sĩ gấp đôi.

Việc bệnh nhân tử vong do nhiễm Covid-19 là sự trở bệnh nặng khá nhanh, nên y khoa không còn khả năng cứu sống chỉ làm hết những khả năng mình có thể. Đó là chia sẻ của bác sĩ Kiều. 

Theo bác sĩ Kiều, thời điểm này bệnh viện chuyển bệnh nhân nặng, vượt khả năng chuyên môn vào tuyến trên là câu chuyện nan giải. Bởi các bệnh viện tuyến trên ở TP. Hồ Chí Minh đã phân tầng điều trị, các bệnh tầng thấp trở nặng chuyển lên tầng cao cũng không có chỗ để chuyển.

 Dĩ nhiên, không có chỗ cho bệnh nhân từ Bệnh viện đa khoa Bình Thuận chuyển vào. Vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận liên hệ nhiều bệnh viện tuyến trên, khó khăn lắm mới chuyển viện trường hợp  thanh niên có bệnh kết hợp và dương tính Covid-19 trở nặng vào Bệnh viện Thống Nhất tại Đồng Nai (Bệnh viện này được Bộ Y tế phân công điều trị Covid-19 cho vùng Đông Nam bộ).

Trường hợp này đi xe máy từ Đồng Nai về quê Thanh Hóa, không may bị tai nạn được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện, với tình trạng chấn thương đầu, gãy xương. Xét nghiệm lần thứ 2 phát hiện dương tính Covid-19.

 Sau khi chuyển tuyến điều trị 1 ngày tại bệnh viện tuyến trên, thanh niên này cũng không qua khỏi do có bệnh kết hợp. Còn mẹ thanh niên từ Thanh Hóa vào Bình Thuận nuôi bệnh, được phát hiện dương tính với Covid-19, được điều trị.

Tuy nhiên, bệnh nhân trở nặng kết hợp bệnh nền và tử vong.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số mắc quá cao, tiến triển bệnh nặng nhanh, ắt sẽ có ca tử vong.

 Trong khi đó, điều kiện y tế tại tỉnh cũng có giới hạn nên người dân không được chủ quan, lơ là phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là thực hiện thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế để ngăn dịch bệnh lây lan mạnh hơn.

Riêng người dân Phan Thiết và thị xã La Gi, ngoài thông điệp 5K phải chấp hành nghiêm Chỉ thị 16. Vì dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ý thức người dân lúc này là vô cùng quan trọng. Nếu người dân không tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế, thì số lượng người nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục tăng thêm và có thể trả giá rất đắt. 

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao nhiều ca bệnh Covid-19 tử vong?