Đổi mới trong cách tuyên truyền
“Mùa hè rồi, đi bơi thôi bạn ơi”, “Cần gì đi học bơi cho tốn tiền, chỉ cần ra khu vực đập nước cuối thôn, nhảy ùm xuống vài lần là biết bơi thôi”, “Đi biển chỉ tắm gần bờ thôi mà, sao phải mang áo phao cho vướng víu”… Đó là những đoạn hội thoại ngắn trong các tiểu phẩm được 9 đội tuyên truyền măng non là học sinh các huyện trên địa bàn tỉnh trình bày. Sự hồn nhiên, tự tin của trẻ thơ cộng với sự khéo léo lồng ghép các con số tai nạn đuối nước, những nguyên tắc an toàn khi bơi và tập bơi, đã khiến khán phòng lúc sôi nổi, lúc lắng lại trong cảm xúc.

Dẫu ngôn ngữ, màu sắc của các tuyên truyền viên măng non ở huyện Bắc Bình, Tuy Phong, La Gi có khác với Phan Thiết, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam hay Đức Linh, Tánh Linh đi nữa, nhưng thông điệp các em mang tới liên hoan rất rõ ràng. Đó là phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không của riêng ai, mà trách nhiệm của toàn xã hội, cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ.

Những con số trong phần thi “Măng non với hiểu biết về công tác phòng, chống đuối nước” được các em nêu ra khiến ai cũng xót xa, khi trung bình mỗi năm cả nước ta có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước, tỷ lệ cao gấp 3 lần so với các nước thu nhập cao. Cứ đến dịp hè, nguy cơ trẻ em đuối nước lại càng cao bởi đây là thời điểm học sinh được nghỉ học, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng. Đã đến lúc cần tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, có giao ước cam kết trong trường học, địa bàn dân cư và gia đình về việc thực hiện phòng, chống tai nạn đuối nước; đoàn thanh niên các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức các lớp sinh hoạt hè, thu hút các em tham gia.

Chủ động phòng, chống đuối nước
Chăm chú lắng nghe, theo dõi các đội thi trong suốt 3 giờ đồng hồ, em Huỳnh Lê Uyển Như - Trường THCS Bắc Bình 1 (Bắc Bình) cho biết: Đây không còn là một cuộc thi mà nó mang ý nghĩa giáo dục cao. Bởi qua các câu chuyện gần gũi, dễ hiểu, chúng em rút ra nhiều bài học cho bản thân. Em biết rằng trước khi xuống nước nhất thiết phải dành khoảng 30 phút để khởi động cơ thể. Cần chú ý quan sát khu vực tắm để tránh các vùng nước xoáy hoặc dòng nước chảy xiết. Không bơi quá xa bờ, xa các phương tiện cứu hộ. Nếu cảm thấy mỏi cơ, người bơi cần giảm dần tốc độ, bơi vào gần bờ hoặc gần phương tiện cứu hộ, sau đó thả lỏng toàn thân trong tư thế nổi 3-5 phút rồi lên bờ.

Cô Bùi Thị Thúy – Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Hải Ninh (Bắc Bình) cho rằng: Đuối nước là một tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh nếu trẻ em được trang bị đủ kỹ năng, kiến thức và áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Vì vậy, trước thời điểm nghỉ hè, hoạt động truyền thông của Hội đồng Đội tỉnh và trường học là cần thiết. Từ đó nâng cao hiểu biết của học sinh và gia đình quan tâm hơn đến quản lý con em mình, chủ động trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân...
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, nếu trẻ gặp tình trạng nặng được cứu sống thì hậu quả cũng rất nặng nề về sau. Vì thế các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và trang bị những kỹ năng về phòng, chống đuối nước rất quan trọng. Điều này hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.