Chuyện được nghe kể
Một người bạn của người viết bài kể lại rằng: Một ngày, anh đến khám bệnh tại một cơ sở y tế công lập. Anh ngồi chờ đến lượt. Bác sĩ hỏi thăm về tình hình sức khỏe của từng người bệnh để từ đó cho những chỉ định xét nghiệm, ra toa thuốc. Bệnh nhân được khám xong, rời phòng, ra ngồi ở hàng ghế dọc theo hành lang, ngay trước cửa phòng khám chuyên khoa để chờ nhận lại sổ y bạ.
Anh nghe bác sĩ gọi bệnh nhân đã khám: “Thu Nga!” (tên đã được đổi). Gọi lần đầu không nghe thấy tiếng trả lời. Vị bác sĩ gọi lại lần hai: “Thu Nga!”. Lời gọi ngắn, to, rõ, nhưng sao anh không nghe tiếng trả lời của người được gọi. Tiếng “Thu Nga” ấy được gọi một cách trống không, không hề kèm một từ nào phía trước, chẳng hạn như: Chị, cô, dì, bác… hay từ: Bệnh nhân trước tên. Bệnh nhân tên Thu Nga đang ngồi chờ bên ngoài phòng khám chuyên khoa này. Anh bạn tôi thấy sau đó bệnh nhân Thu Nga bước vào - là một người phụ nữ đã khá lớn tuổi - nhận lại cuốn sổ y bạ của mình. Bệnh nhân Thu Nga cũng không hề nói một tiếng nào với bác sĩ.
Một người thì gọi tên bệnh nhân một cách trống không. Một người thì vào nhận sổ y bạ không kèm một lời nào. Anh bạn tôi cảm nhận rằng có gì đó chưa thật phù hợp trong ứng xử ở tình huống đó. Cách gọi tên một người trống không hình như chưa bao giờ được người được gọi tên hài lòng, nhất là khi người ấy đã khá lớn tuổi. Còn việc bệnh nhân nhận lại y bạ mà không nói lại với bác sĩ một lời nào có khi nào là một cách thể hiện sự không được vui của mình lúc ấy?
Gọi xe taxi ngày cao điểm
Một buổi chiều cuối tuần, người viết bài đưa người thân ốm đi khám bệnh ở một phòng mạch tư của bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ khám xong, người nhà gọi điện đến văn phòng nhà xe taxi để đặt xe về. Tài xế, người được nhà xe sắp xếp để đón khách, đã điện cho người đặt xe. Tài xế hỏi đoạn đường từ phòng mạch đến nơi trả khách, được người đặt xe báo lộ trình, tài xế báo đã rõ.
Vậy mà rồi, khách đợi hơn nửa tiếng đồng hồ vẫn không thấy xe đến đón. Gọi điện lại cho tài xế, chẳng thấy có tiếng trả lời. Điện lại nhà xe thì văn phòng nhà xe đáp: tài xế đã nhận lời chở khách chuyến ấy, nhưng không hiểu vì sao lại không đến đón. Người bệnh cần được về nhà sớm để uống thuốc, nghỉ ngơi. Sao tài xế đã nhận sự bố trí của văn phòng nhà xe, nghe rõ địa điểm đón khách, mà không hề báo lại với khách vì sao mình không đến đón? Đã hơn nửa giờ, khách đành điện cho nhà xe khác để được chở về.
Chuyện người được tin cậy
Một người bạn khác của người viết bài kể lại. Anh có một người chị họ đã lớn tuổi. Chị là người con duy nhất trong gia đình. Chị không có gia đình riêng. Ba má chị khi qua đời để lại cho chị một căn nhà ở Phan Thiết. Lớn tuổi, không có con cái, chị bán nhà, đem số tiền bán được, về ở với gia đình cậu em trai bà con ở một huyện khác. Khi chị còn khỏe, còn đi lại được, chị có đem đến nhà cậu em (là bạn của người viết), đang sống ở Phan Thiết, gởi cho cậu em ấy giữ giúp một số vàng. Chị dặn, cậu em này đừng nói với ai chuyện ấy. Ngày chị bệnh nặng, cậu em ở Phan Thiết mang đầy đủ số vàng mà chị nhờ giữ giúp đến trao lại cho cậu em ở huyện. Bởi, vợ chồng cậu em ở huyện mới chính là người trực tiếp chăm lo ăn uống, thuốc men, vệ sinh cho chị trong những năm tháng chị vào tuổi xế chiều. Hóa ra, cậu em ở huyện đã biết chuyện ấy. Vì, khi chị gởi vàng cho người em ở Phan Thiết nhờ giữ giúp, chị đã nói với một số người ở huyện biết rõ chuyện ấy rồi!
Giữa rất nhiều những mối quan hệ trong xã hội, những sự ứng xử phù hợp, khéo léo của người này với người khác thật cần thiết biết bao! Ai cũng mong nhận được sự xử sự tế nhị, chân tình của người thân, bạn bè, những người có quan hệ giao tiếp với mình. Và những người thân, bạn bè, người giao tiếp với mình, chắc cũng mong đón nhận được những điều như thế!