Theo nguyên nhân được UBND TP. Phan Thiết nêu ra, khu du lịch nơi 2 du khách này ở đã thực hiện các quy định về an toàn cứu nạn nhưng do khách phớt lờ cảnh báo, cộng với sự khó lường của các dòng nước xoáy nơi đây khiến nhiều vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra.
Vùng biển Mũi Né nơi hai du khách TP. HCM bị đuối nước vào ngày 27-2-2021. |
Tháng 8/2019, 2 vụ đuối nước liên tiếp xảy ra tại TP. Phan Thiết và Thị xã La Gi cướp đi sinh mạng của 10 người. Giữa năm ngoái, 2 người trong một nhóm 7 du khách đến từ tỉnh Lâm Đồng bất ngờ bị sóng cuốn ra xa khi đang tắm tại bãi biển Đồi Dương (TP. Phan Thiết). Hậu quả khiến 1 người tử vong. Đến cuối tháng 2 vừa qua, biển tiếp tục cướp đi sinh mạng của đôi nam nữ đến từ TP. HCM.
Ông Nguyễn Văn Quang – nhân viên có hơn 20 năm làm công tác cứu hộ tại bãi biển Đồi Dương (TP. Phan Thiết) cho biết, tâm lý chủ quan của người tắm cộng với sự khó lường của dòng chảy là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vụ đuối nước. Biển Đồi Dương thu hút hàng trăm lượt khách tắm vào đầu và cuối ngày, lượng khách đông hơn vào các dịp lễ, những tháng hè.
Theo ông Quang, đối với khách ở xa tới thường gặp sự cố liên quan đến thuỷ triều rút tạo nên dòng chảy xa bờ (dòng rip). Theo đó, bắt đầu từ tháng 4 - 9 (mùa gió nam thổi) thì nước thủy triều hay rút mạnh thành từng luồng vào cuối ngày. Lúc này những con sóng vào gặp chỗ nước trũng sẽ tạo dòng chảy cuốn người tắm ra xa.
“Khi bà con thấy cột cờ giới hạn mà chúng tôi gắn trên dãy phao xoáy thành vòng tròn, khi nhận xuống khi trồi lên thì lúc này biển đang cực kỳ nguy hiểm, không nên tắm. Thứ hai, khi đang tắm mà còn sóng liên tục đẩy mình đi xa bờ thì cũng không nên tiếp tục tắm, hoặc giả nếu có tắm thì cũng không xuống đến chỗ quá khỏi ngực, vì sẽ không làm chủ được tình huống” – ông Nguyễn Văn Quang nói.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Viện Hải dương học cho biết, vùng biển Bình Thuận thời gian qua xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, trong đó dòng chảy xa bờ là một trong những nguyên nhân khiến các bãi tắm nơi đây trở nên khó lường, nguy hiểm hơn.
Cách bơi thoát khỏi dòng rip (Viện Hải dương học cung cấp). |
Nghiên cứu của Viện Hải dương học chỉ ra rằng, trong những năm qua, mực nước biển các tỉnh Nam Trung bộ tiếp tục dâng. Tần xuất xuất hiện, quy luật hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới tại khu vực Nam Biển Đông có xu hướng tăng lên, biến động khó lường. Những điều kiện trên làm tăng độ cao sóng tại dải ven bờ, do vậy cường độ/kích thước dòng chảy xa bờ sẽ mạnh hơn và biến động bất thường hơn.
Hầu hết các bãi tắm cấu tạo bởi cát hạt mịn - trung, độ dốc bãi trung bình thoải, đa phần là bãi ngang đón sóng, đường bờ chạy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam nên chịu tác động của sóng trong cả 2 mùa gió nam và bấc. Do vậy, các bãi tắm ở Bình Thuận hình thành dòng chảy xa bờ trong cả 2 mùa gió. Dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sự xuất hiện dòng chảy xa bờ tại các bãi tắm ngày càng phức tạp, nguy hiểm.
“Vịnh Phan Thiết thuộc khu vực phía bắc mũi Kê Gà nên có chế độ nhật triều không đều, độ lớn triều cường ≈ 2,0 m. Trong một tháng có từ 18 - 22 ngày nhật triều. Đặc biệt, thời gian triều dâng lâu hơn thời gian triều rút tạo ra cường độ dòng rip lớn xuất hiện lâu hơn…
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân chủ yếu là du khách, những người còn ít hiểu biết về hệ dòng rip nguy hiểm tại các bãi tắm, không theo chỉ dẫn, cảnh báo của đội cứu hộ hoặc tắm tại các khu vực không có đội cứu hộ” - TS Lê Đình Mầu, thành viên Hội đồng khoa học Viện Hải dương học thông tin.
Dòng rip (Rip Current) là một loại hình cấu trúc dòng chảy tách bờ hướng ra khơi, xảy ra trong vùng sóng đổ, có hình thái và kích thước của một luồng nước mạnh với bề ngang hẹp phụ thuộc vào điều kiện địa hình, thủy thạch động lực từng khu vực, từng thời điểm. Dòng rip mạnh nhất thường xuất hiện trong điều kiện biển động, sóng lớn, rất nguy hiểm cho người tắm biển (dìm và kéo ra xa bờ), đặc biệt với người bơi yếu hoặc không biết bơi và thậm chí với người bơi giỏi nhưng không biết cách bơi thoát khỏi nó như cố bơi ngược dòng rip để vào bờ. Theo lời khuyên của Viện Hải dương học, khi gặp dòng rip cần bình tĩnh để giữ sức, tỉnh táo; không được bơi ngược dòng rip để vào bờ và cần quan sát lấy phương hướng, bơi theo hướng song song với đường bờ, khi ra khỏi dòng rip thì bơi ngược hướng vào bờ. Nếu không có khả năng bơi ra khỏi dòng rip hãy dùng tay để ra hiệu cầu cứu, giữ nổi người để trôi tự do ra khỏi dòng rip. |
Hạnh Khiết