Theo dõi trên

Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA): Cơ hội và thách thức cho Bình Thuận

04/09/2019, 08:56

BT- Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu hàng hóa chính của Bình Thuận, mỗi năm chiếm khoảng 20% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa...

 Ngày 30/6/2019, Việt Nam và EU đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là một thỏa thuận thương mại tự do mà EU ký với một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp định mang tính chất toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp ở nhóm hàng thủy sản, nông sản, công nghiệp (dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ) tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng.

                
   Thanh long là một sản phẩm nông nghiệp lợi    thế của Bình Thuận.

Để triển khai hiệu quả hiệp định EVFTA sau khi được phê chuẩn và có hiệu lực, UBND tỉnh Bình Thuận vừa yêu cầu Sở Công thương chủ trì, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết nói riêng, đặc biệt là cơ hội và thách thức từ EVFTA. Cách thức tận dụng các cam kết EVFTA trong hoạt động kinh doanh, phù hợp với đặc thù và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phối hợp với các sở, ngành tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đối với các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời, tập trung xúc tiến, quảng bá các hàng hóa có lợi thế xuất khẩu của tỉnh vào thị trường EU. Lựa chọn, phổ biến, vận động hiệp hội và doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá, khảo sát thị trường, kết nối giao thương với các doanh nghiệp EU.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật quy định, cũng như cam kết trong Hiệp định EVFTA. Tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, tập huấn chuyên đề hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp. Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường quản lý chất lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh từ khâu sản xuất, thu hoạch, thu mua, chế biến, đóng gói đảm bảo an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh bị cấm…nhằm đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt khi xuất khẩu sang thị trường EU. Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng phù hợp, xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ người lao động trực tiếp trong các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên tập trung các nhóm hàng thủy sản, nhóm hàng nông lâm sản và may mặc. Đáng lưu ý, các sở, ngành cần thường xuyên cập nhật thông tin về các rào cản kỹ thuật mới của thị trường EU đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu của tỉnh, kịp thời phổ biến đến các doanh nghiệp xuất khẩu để có biện pháp ứng phó phù hợp.

Ngay sau khi EVFTA được ký kết, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu và rút ngắn lộ trình xuất khẩu so với trước đây.

    
      Được biết, FTA (Free trade agreement) là Hiệp định thương mại giữa 2   hoặc nhiều quốc gia. Theo đó, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình việc   cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan nhằm tiến   tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do.

 K.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA): Cơ hội và thách thức cho Bình Thuận