Theo dõi trên

Vĩnh biệt nhà văn - dịch giả Mai Sơn

29/12/2023, 05:52

Nhà văn - dịch giả Mai Sơn họ tên thật là Nguyễn Minh Sơn, sinh 10/9/1956, vốn là học sinh Trường Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi. Sau đó, anh theo gia đình vào sinh sống ở Phan Rang, Ninh Thuận.

Năm 1988, mãn hạn nghĩa vụ quân sự, anh và em trai Nguyễn Minh Tuấn (Cao Tuấn) cùng về làm việc ở Bình Thuận. Anh nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành 2 khóa đầu tiên của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận (khóa I: 1988-1993, khóa II: 1993-1998) với các chức vụ Chánh Văn phòng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận (Biển Xanh). Nhà văn - dịch giả Mai Sơn là đại biểu Hội nghị Viết văn Trẻ lần thứ III-12/1985 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chuyển công tác về thành phố Hồ Chí Minh, anh tham gia biên tập báo Mực Tím, Khăn Quàng Đỏ, vài năm sau anh được mời về làm Ban Tu thư Trường đại học Hoa Sen. Thời gian này, chị Phương vợ anh bị bạo bệnh qua đời, vượt qua nỗi buồn, anh tập trung tự học, vừa viết văn, vừa dịch và biên tập sách báo. Anh đã xuất bản 12 đầu sách thuộc nhiều thể loại văn xuôi, biên soạn, dịch thuật, trong đó có: “101 triết gia” NXB Trí Thức (quý II, 2007), “Vật lạ ở trên đầu” (tập truyện, 1997), “Hư cấu” (tập truyện, 2003), “Vũ trụ trong một nguyên tử” (2008), “Câu chuyện triết học” (2005)…

screenshot_1703804046.png

Nhà văn - dịch giả Mai Sơn cùng với nhà văn Lê Minh Khuê đại diện Việt Nam tham dự Liên hoan văn học Á - Phi (JAALFOC) lần thứ nhất, tổ chức từ ngày 7/11 đến 14/11/ 2007 tại Jeonju, Hàn Quốc. Đây là liên hoan nhằm thiết lập mối quan hệ mới giữa các nhà văn, đặc biệt là nhà văn châu Á và châu Phi, tăng cường tiếng nói nhà văn trong thế giới đương đại. Tại cuộc gặp khoảng 100 nhà văn ở hai châu lục này, anh đã trình bày thành công tham luận “Chiều kích triết lý của nhân vật hư cấu”.

Văn anh Mai Sơn chỉn chu từng câu chữ, rất gợi, anh thường đề cập đến những vấn đề xã hội, nhân văn mang tính khái quát cao. Nhà văn Lê Minh Khuê nhận định khi đọc tập truyện Hư Cấu: “Mai Sơn không trực tiếp miêu tả hiện thực mà ta thấy hàng ngày như bụi bặm, cãi cọ, tranh chấp, xe cộ rồi những vụ án. Tác giả dựa vào đôi ba chi tiết, dựa vào những nét chấm phá trong tính cách nhân vật để phát triển những ý tưởng văn chương phong phú”.

Khi ra mắt tập sách “Sự quyến rũ của chữ”, (gồm 5 phần: Đọc văn học Việt Nam, Đọc văn học nước ngoài, Đọc và bàn luận về triết học, Những bài phỏng vấn và Viết ngắn về truyện ngắn), anh cũng được bạn bè văn chương đánh giá cao. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết: “Nhiều bài viết của nhà văn Mai Sơn đã đạt được sự chuẩn mực của sự quyến rũ của chữ”.

Mấy mươi năm quen biết thân thiết như anh em, nhiều lần nghe anh tâm sự, tôi không sao quên được câu nói rút ruột của anh về nghề nghiệp: “Khi mình lìa đời, hy vọng mình chỉ còn là một khối tinh thần thuần túy được tạo nên bởi ý tưởng”. Về phần dịch thuật, quan niệm của anh cũng được nhiều dịch giả thực tài ủng hộ:

“Dịch gì đi nữa thì cũng không phải chỉ chăm chăm lo tát cạn phần ngôn ngữ… Phải đọc trước để tắm mình trong khí hậu của nó”.

Trong những năm giữ trách nhiệm Trưởng Ban Tu thư của Trường đại học Hoa Sen, nhà văn - dịch giả Mai Sơn nhiệt tình tổ chức cuộc hội thảo về “Hoàng đế và Giai nhân”, quyển sách dịch đầu tay của con trai tôi - Nguyễn Vũ Hưng. Đó là cuộc ra mắt mang dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của Hưng; hơn 50 nhà văn, dịch giả đã có mặt trong sự kiện đó. Tôi được biết không chỉ là người có công chính điều hành biên soạn, dịch thuật và xuất bản hơn 100 ấn phẩm của tủ sách Hoa Sen uy tín, anh còn có công tổ chức nhiều sự kiện văn học, triết học gây tiếng vang lớn.

Ngay trong đêm Giáng sinh 25/12/2023, lúc 0 giờ, nhà văn - dịch giả Mai Sơn đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở ngã tư Đồng Gò, Ấp Mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa, Long An. Giới văn chương Phan Thiết, Sài Gòn vô cùng thương tiếc anh, mạng xã hội ngay sau đó ngập tràn những lời thông báo và chia buồn cùng tang quyến. Tôi nghe tin dữ mà bàng hoàng, bần thần cả người, nỗi buồn chia ly dâng ngập trong hồn bởi anh với tôi vốn thân thuộc, quý mến nhau từ lâu; anh tử tế và yêu thương tôi, gia đình tôi như người thân, ruột thịt. Từ những ngày đầu (khoảng 1994), tôi chập chững bước vào làng văn, anh là người dìu dắt, gợi ý tôi nên viết gì, viết như thế nào, tôi chịu ơn anh, một người thầy tận tụy vô điều kiện. Tình cảm gắn bó mãi sau này, khi anh còn ở ngôi nhà trên đường Trần Hưng Đạo, Phan Thiết, chị Phương vợ anh thường nấu cơm cho tôi ăn, có việc đi Phan Thiết là tôi lại ghé đó nghỉ ngơi. Nhà anh lúc nào cũng đầy bạn bè văn nghệ, anh chính là người quy tụ nhiều văn nghệ sĩ trước và sau năm 1975 của thị xã Phan Thiết lúc đó. Khi gia đình anh chuyển về ở Sài Gòn, tôi dắt các con đi thi đại học đều tá túc nhà anh, được anh chăm chút từng miếng ăn, từng chỗ nghỉ và luôn có những lời căn dặn cần thiết.

Trong mấy mươi năm giao du trong văn giới từ Bắc tới Nam, tôi chưa thấy người viết nào chu đáo và tử tế như anh; với nụ cười rất buồn, rất đẹp, rất đàn ông luôn gắn trên môi, anh sống một đời vị tha và chân thành yêu thương mọi người. Tôi kính nể anh vì ý chí mãnh liệt, anh tự học tiếng Anh, tự học triết đến mức trở thành dịch giả nổi tiếng, anh tự học viết và đã trở thành nhà văn tên tuổi. Nhưng còn kính nể hơn vì anh biết yêu thương con người xung quanh mình, yêu thương bạn bè vô điều kiện.

NGUYỄN HIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chuyến xe củi cuối năm
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tìm được việc làm ở một cơ quan nhà nước và sống lập nghiệp tại TP. Đà Lạt mộng mơ. Vì thế, đã nhiều năm rồi gia đình nhỏ của tôi không dùng bếp củi.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vĩnh biệt nhà văn - dịch giả Mai Sơn