Chơi huê hụi trên mạng xã hội?
Tại Hội nghị giao ban báo chí và cung cấp thông tin tháng 11/2023, Thượng tá Trần Long Khánh, Trưởng Công an TP. Phan Thiết đã cung cấp thông tin về các đường dây huê hụi bị vỡ hụi gần đây tại TP. Phan Thiết. Theo đó, từ tháng 10 - 11/2023 trên địa bàn TP. Phan Thiết liên tục xảy ra các vụ vỡ hụi. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Phan Thiết đã nhận được 369 lá đơn tố cáo của những người ở tỉnh Bình Thuận và các tỉnh, thành khác tham gia chơi huê hụi của 4 đường dây huê hụi ở Phan Thiết với tổng số tiền gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công an TP. Phan Thiết chưa thể xác định đây là số tiền cuối cùng. 4 đường dây huê hụi bị vỡ trong thời gian vừa qua do các cá nhân: H.T.T.V (27 tuổi, ngụ phường Đức Long); T.T.T.N (25 tuổi, ngụ đường Nguyễn Hội); Ngô Thị Loan Chi (32 tuổi, Phú Thủy) và N.T.H.S (22 tuổi, ngụ Phú Hài, cùng TP. Phan Thiết) đứng ra tổ chức.
Trước tình hình trên, Công an TP. Phan Thiết đã thành lập một Tổ công tác chuyên giải quyết, thụ lý đơn và đưa vào tin báo tố giác tội phạm để xử lý. Đồng thời báo cáo ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân nói trên và ra thông báo truy tìm trên phạm vi toàn quốc. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thị Loan Chi để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện T.T.T.N đã hợp tác với cơ quan Công an. 2 cá nhân còn lại, Công an TP. Phan Thiết đang tiếp tục vận động, quay về hợp tác với cơ quan điều tra.
Qua xem xét, đánh giá, Công an TP. Phan Thiết xác định các đường dây huê hụi này đều thực hiện qua mạng xã hội Zalo; Facebook. Các hụi viên đều không biết nhau và chỉ có chủ hụi biết và thông báo cho từng thành viên qua tin nhắn rồi chuyển tiền vào tài khoản cho chủ hụi. Đặc biệt, chủ hụi còn không thông báo tên tuổi người hốt hụi vì lý do “bí mật cá nhân”, cho đến khi chủ hụi thông báo vỡ hụi, mất khả năng chi trả, tạm lánh mặt rồi tắt điện thoại, khóa trang mạng xã hội. Theo Thượng tá Trần Long Khánh, hình thức chơi hụi là hình thức góp vốn làm ăn từ lâu đời và được pháp luật công nhận qua Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ. Nghị định 19 quy định rất rõ về hình thức, cách thức chơi huê hụi. Tuy nhiên, hình thức chơi của 4 đường dây huê hụi bị vỡ thời gian vừa qua không theo quy định của pháp luật. Cụ thể là Nghị định 19 của Chính phủ quy định con hụi trong một dây huê hụi phải biết mặt nhau. Nhưng đây, các con hụi lại chơi hụi trên mạng xã hội dẫn đến nguy cơ các con hụi không biết mặt nhau mà khó xác định được tính minh bạch của các đường dây hụi. Với chiêu thức như trên, bị can Loan Chi vừa tham gia với tư cách chủ hụi nhưng cũng có thể là con hụi. Chi thông báo với con hụi đã có người hốt nhưng thực tế chính bị can hốt hụi. Bên cạnh đó, lãi suất của các đường dây hụi rất cao lên đến 20 - 30% làm tăng nguy cơ ăn vào vốn của các con hụi đã góp dẫn đến vỡ hụi.
Cảnh báo các thủ đoạn
Mới đây, Công an tỉnh tiếp tục cảnh báo người dân về hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chơi hụi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trước tiên, chủ hụi sẽ tạo lòng tin cho các con hụi bằng cách làm đúng nhiệm vụ như lập dây hụi đúng, đủ người, đến kỳ thì thu tiền của các con hụi để giao đúng, đủ cho con hụi hốt kỳ đó; nhiều lần sẽ tạo cho các con hụi tin tưởng, rủ rê nhiều người thân, bạn bè cùng tham gia, khi đó chủ hụi sẽ lập những dây hụi với số tiền lớn hơn.
Tuy nhiên, khi mở dây hụi thì chủ hụi chỉ ghi danh sách tên hoặc tên thường gọi (tên lóng) của con hụi chứ không ghi rõ họ, tên, không ghi địa chỉ; khi bỏ hụi thì các con hụi chủ yếu nhắn tin hoặc gọi điện trực tiếp cho chủ hụi để bỏ hụi chứ không tập trung bỏ phiếu kín; khi giao nhận tiền giữa chủ hụi và các con hụi cũng chỉ giao tiền mặt, không ký nhận gì. Chủ hụi lợi dụng vào những sơ hở này để thực hiện hành vi gian dối như: Lập khống những con hụi, ví dụ như dây hụi 10 người thì chủ hụi lập khống 3 người, chỉ có 7 người chơi hụi thực tế. Sau đó chủ hụi đứng ra mạo danh 3 người đó để hốt, chiếm đoạt tiền. Chủ hụi cũng có thể thực hiện hành vi mạo danh các con hụi để hốt, tức là gặp con hụi A thì nói con hụi B hốt, nhưng gặp con hụi B thì lại nói con hụi A hốt; cứ như vậy chủ hụi thu tiền của các con hụi chiếm đoạt, các con hụi cứ nghĩ mình sẽ là người hốt cuối cùng, gần đến những kỳ cuối thì chủ hụi tuyên bố vỡ nợ, rồi bỏ trốn.
“Khi chơi hụi cần phải tìm hiểu kỹ về người chơi, hình thức chơi, chủ hụi… Hãy tỉnh táo, thông minh trong việc đầu tư tài chính vào loại hình này. Khi thấy có dấu hiệu lừa đảo thì phải báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan điều tra. Tránh tình trạng khi xảy ra vỡ hụi, các con hụi lại bức xúc và có những hành vi vi phạm pháp luật như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật…”, Trưởng Công an TP. Phan Thiết cảnh báo.