BT- Chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014 của Chính phủ là nhiệm vụ chính trị, có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần phát triển kinh tế biển, phát triển nghề khai thác hải sản gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong thời gian qua UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã quan tâm phổ biến, tuyên truyền, quán triệt chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước này đến các chi nhánh ngân hàng và ngư dân. Đồng thời UBND tỉnh cũng thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thủy sản Bình Thuận (gọi tắt là Ban chỉ đạo 67)…
Tàu… nằm bờ
Ở Bình Thuận, việc thực hiện cho vay theo Nghị định số 67 chỉ có duy nhất Agribank là có phát sinh dư nợ, các chi nhánh ngân hàng còn lại không thực hiện cho vay. Đến giữa tháng 4/2021, tổng doanh số lũy kế cho vay từ đầu chương trình đến thời điểm kết thúc giải ngân (cuối năm 2018) là 1.075,5 tỷ đồng/120 tàu, cụ thể: Đóng mới tàu dịch vụ hậu cần là 329,4 tỷ đồng/35 tàu, trong đó 8 tàu vỏ thép, 22 tàu vỏ gỗ và 5 tàu vỏ composite. Đóng mới tàu khai thác hải sản là 728,1 tỷ đồng/79 tàu, trong đó 10 tàu vỏ thép, 66 tàu vỏ gỗ và 3 tàu vỏ composite. Nâng cấp 6 tàu vỏ gỗ/18 tỷ đồng. Tổng doanh số (lũy kế) thu nợ từ đầu chương trình đến 15/4/2021 là 127,3 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá còn đến 31/3/2021 là 948,3 tỷ đồng. Qua nắm thông tin của ngân hàng và các địa phương, tàu đang hoạt động có 107 chiếc với tổng dư nợ 919,6 tỷ đồng, trong đó 91 chiếc tàu có nợ vay cơ cấu với tổng dư nợ 873,1 tỷ đồng (chiếm 94% tổng dư nợ của tàu đang hoạt động). Đa số tàu hoạt động đạt doanh thu trên chuyến biển đạt hiệu quả thấp. Tàu cá đã giải ngân nhưng chưa đưa vào hoạt động có 1 chiếc dư nợ là 4,8 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh Phú Quý. Nguyên nhân là do khách hàng thiếu nợ tiền bên ngoài nên bị chủ nợ tháo gỡ trang thiết bị, chủ tàu không có tài chính để mua lại trang thiết bị đã bị gỡ mất.
Đội tàu đánh bắt xa bờ Phú Quý. Ảnh: Đình Hòa
Từ cuối năm 2020 đến nay ở cảng Thanh Hải và Phú Hài luôn thấy vài tàu treo bảng kèm số điện thoại để bán tàu, theo một số ngư dân thì do tàu hoạt động không có hiệu quả hoặc không tìm được “bạn” đi biển nên chủ tàu rao bán để gỡ lại vốn. Còn theo Ban chỉ đạo 67 của tỉnh thì toàn tỉnh có 5 tàu cá không hoạt động, đang nằm bờ, với dư nợ 21,1 tỷ đồng. Cụ thể là tàu cá của khách hàng Trần Văn Hoan, dư nợ 7,7 tỷ đồng tại Agribank Bình Thuận, tàu không hoạt động và khách hàng thông báo bán tàu nhưng chưa tìm được người mua. Tàu cá của khách hàng Lê Văn Bông, dư nợ 2,3 tỷ đồng tại Agribank Bình Thuận, hiện tàu không hoạt động. Tàu cá của khách hàng Trần Thanh Dũng, dư nợ 1,3 tỷ đồng tại Agribank La Gi; tàu không hoạt động do trong quá trình khai thác đánh bắt (lưới vây), giàn lưới bị rách, mất nhiều và khách hàng đang khắc phục khó khăn này. Tàu cá của khách hàng Nguyễn Ngọc Tuấn, dư nợ 5,1 tỷ đồng tại Agribank Phú Quý, hiện không hoạt động do không có bạn thuyền để đi tàu. Riêng tàu cá của khách hàng Lê Thanh Ngọc, dư nợ 4,7 tỷ đồng tại Agribank Phú Quý, không hoạt động do chủ tàu không có tài chính đi biển, dừng hoạt động từ 2019. Ngoài ra tàu cá gặp khó khăn một phần có 3 tàu với tổng dư nợ 61,28 tỷ đồng; các tàu này vay vốn với mục đích hoạt động nghề dịch vụ hậu cần. Khi vay vốn, chủ tàu xây dựng phương án kinh doanh là bán dầu trên biển sau đó mua dầu từ các tàu khai thác vào đất liền bán lại. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ cấp phép cho bán dầu tại một tọa độ duy nhất là cảng Phú Quý, không cho phép bán dầu rộng rãi trên biển như phương án kinh doanh. Vì vậy, các tàu không thực hiện hết chức năng của phương án, dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả, bị thua lỗ, không trả nợ vay đến hạn phân kỳ hàng năm. Cụ thể: Tàu của khách hàng Nguyễn Thanh Thao, dư nợ 23,8 tỷ đồng. Do không thực hiện được việc bán dầu trên biển nên chuyển sang khai thác đánh bắt hải sản và hoạt động kiểu cầm chừng nên không có hiệu quả. Khoản vay đã được cơ cấu lại nợ vay 2 lần (dư nợ cơ cấu 3,01 tỷ đồng). Nợ lãi vay đang tồn nhiều tháng chưa trả được. Chủ tàu rất khó khăn về tài chính, khả năng không trả được nợ đến hạn kỳ tiếp theo. Tàu của Công ty TNHH thủy sản Phú Quý, dư nợ 18,75 tỷ. Tương tự, do không thực hiện được dự án bán dầu trên biển nên chuyển sang vận chuyển nhu yếu phẩm từ đất liền ra đảo Phú Quý, hoạt động kiểu cầm chừng, đủ bù đắp chi phí và trả một phần lãi vay, không trả được nợ gốc đến hạn phân kỳ hàng năm. Khoản vay đã được cơ cấu lại nợ vay 2 lần (dư nợ cơ cấu 2,69 tỷ đồng). Khoản vay đã bị chuyển nợ quá hạn vào ngày 31/12/2020 do không trả được nợ gốc và lãi đến hạn phân kỳ. Hiện đang đề nghị chuyển phân loại nợ vào nhóm 3. Tàu của khách hàng Nguyễn Văn Tâm, dư nợ 18,73 tỷ đồng, do không được cấp phép bán dầu trên biển nên phải chấp nhận bán dầu tại cảng Phú Quý, hoạt động kiểu cầm chừng, địa bàn nhỏ hẹp không có hiệu quả. Khoản vay đã được cơ cấu lại nợ vay 2 lần (dư nợ cơ cấu 3,27 tỷ đồng). Hiện chủ tàu đang gặp khó khăn và có khả năng không trả được nợ đến hạn kỳ tiếp theo.
Số tàu hoạt động có hiệu quả còn thấp
Theo báo cáo của Agribank Bình Thuận thì số tàu cá hoạt động có hiệu quả, trả gốc/lãi đúng theo cam kết chỉ có 32 tàu với dư nợ là 75,7 tỷ đồng. Số tàu cá hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc/lãi theo cam kết là 88 tàu với dư nợ là 852,4 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu gây nhiều bất lợi cho sản xuất nghề cá. Mặt khác, số lượng tàu cá lại phát triển quá nhanh làm gia tăng cường lực khai thác trên các vùng biển trong khi nguồn lợi thủy sản đang ngày càng bị suy giảm. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid - 19 làm giá cả các mặt hàng hải sản giảm mạnh, có lúc các tàu đi khai thác đánh bắt vào bờ bán hàng không người mua nên bị lỗ chi phí phải ngưng hoạt động tàu một thời gian chờ dịch bệnh dần ổn định. Đến khi dịch ổn định thì tàu tìm không đủ người đi, nhiều tàu phải tiếp tục tạm ngưng hoạt động… Mặt khác khách hàng không có thiện chí trả nợ, chưa phối hợp trong việc khai báo doanh thu từng chuyến biển theo đề nghị từ phía ngân hàng (cung cấp giấy tờ, hóa đơn chứng minh doanh thu...). Khách hàng thường xuyên khai báo doanh thu lỗ, chỉ đủ chia cho bạn thuyền và chi tiêu sinh hoạt gia đình nhằm né tránh việc trả nợ. Ý thức chấp hành của một số khách hàng không cao, luôn có tâm lý ỷ lại là khoản vay theo Nghị định 67, tài sản thế chấp chỉ là tàu thuyền nên không cần phải trả nợ đúng hạn. Thậm chí tàu hoạt động có lợi nhuận nhưng liên tục báo lỗ không trả nợ vay, tìm mọi cách để xin cơ cấu lại thời gian trả nợ, chấp nhận dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ không được hưởng hỗ trợ lãi suất. Về phía ngân hàng do không nắm được cụ thể doanh thu, chi phí từng chuyến biển do khách hàng không hợp tác khai báo (tuy ngân hàng có phối hợp với địa phương tác động). Cán bộ quản lý khoản vay còn đang rất khó khăn trong việc xác định được nguồn thu nhập và dòng tiền thật sự của khách hàng nên việc đánh giá tàu hoạt động hiệu quả hay không cũng chỉ là trao đổi với chủ tàu và một số thuyền viên sau mỗi chuyến biển…
Trần Thi
Bài 2: Tồn tại nhiều khó khăn