Theo dõi trên

Vùng đất đa dạng sản phẩm đặc trưng

12/11/2021, 08:43

BT- Thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện miền núi Ðức Linh bước đầu khẳng định thương hiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng địa phương. 

Khai thác tiềm năng

Nói đến Đức Linh, người ta thường nghĩ đến một vựa lúa phì nhiêu, nơi có đàn heo chiếm đến gần 50% tổng đàn heo của tỉnh. Thế mạnh này được địa phương ngày càng phát huy mạnh mẽ hơn nữa phù hợp với xu thế nông nghiệp hiện đại đó là: Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa. Điều này chứng minh qua thực tế khi địa phương đã hình thành được chuỗi liên kết trên cây lúa với Hợp tác xã nông nghiệp Công Thành và Công ty TNHH SX & TM Đại Nhật Phát. 2 đơn vị này thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ với nông dân các xã, thị trấn: Đức Tài, Nam Chính, Mê Pu, Sùng Nhơn, Võ Xu khoảng hơn 6.000 ha lúa/3 vụ, giá bán trên 6.500 đồng/kg, doanh thu trên 45 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, các tiểu thương cũng có liên kết sản xuất tiêu thụ với nông dân hơn 3.000 ha lúa. Các nông sản khác như cây ăn trái (điều, bưởi), thủy sản nước ngọt, rau sạch... đã bước đầu ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhờ khai thác tốt tiềm năng, sau 2 năm thực hiện chương trình OCOP, huyện Đức Linh có 7 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh vào năm 2020. Trong đó, gạo Thượng Điền của Công ty TNHH SXTM Đại Nhật Phát, Hạt điều rang muối của cơ sở Hoàng Gia Tiến đạt OCOP 4 sao; còn lại 5 sản phẩm đạt 3 sao.

Liên kết tiêu thụ lúa gắn với sản phẩm OCOP (Cánh đồng lúa nhãn hiệu gạo Thượng Điền xã Mê Pu)

Nói về sản phẩm OCOP 4 sao gạo Thượng Điền, ông Nguyễn Tường Hưng – Giám đốc Công ty TNHH SXTM Đại Nhật Phát (xã Mê Pu) cho biết: “Sản phẩm gạo Thượng Điền có mặt tại Đức Linh được 4 năm nay, thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ ưa chuộng và hướng đến xuất khẩu”. Còn bà Nguyễn Thị Thu Hằng, chủ Cơ sở Hoàng Gia Tiến (xã Đức Hạnh) nói: “Hơn 10 năm trong nghề thu mua chế biến nhân hạt điều, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị để chế biến nhân hạt điều đạt tiêu chuẩn HACCP tạo ra sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị và tạo việc làm cho khoảng 60 lao động thường xuyên tại địa phương”. 

Gắn sản xuất theo chuỗi tạo ra sản phẩm OCOP

Được công nhận là sản phẩm OCOP, các chủ thể có cơ hội xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm của cơ sở mình tham gia thị trường rộng lớn hơn, mở ra cơ hội xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đi cùng với việc tạo ra sản phẩm OCOP còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và giúp phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường. “Những sản phẩm OCOP bước đầu thể hiện được thế mạnh của sản phẩm nông sản Đức Linh. Chúng tôi tiếp tục vận động, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các hợp tác xã, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp tốt hơn để tham gia đăng ký dự thi đạt sản phẩm OCOP, góp phần khẳng định thế mạnh trong nông nghiệp huyện nhà”, ông Trương Quang Đến – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Linh tin tưởng.

Năm 2021, huyện Đức Linh phấn đấu có từ 5-7 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, hiện có trên 17 sản phẩm đăng ký kế hoạch thực hiện. Đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã chọn đơn vị tư vấn Công ty TNHH Công nghệ Nho Nho (TP.Cần Thơ) thực hiện việc hỗ trợ các chủ thể sản phẩm xây dựng hồ sơ qua hình thức trực tuyến. Dự kiến ngày 20/11 đơn vị tư vấn sẽ hoàn thành hồ sơ và chuyển nộp cho huyện, khoảng đầu tháng 12/2021 huyện sẽ tổ chức thi đánh giá phân hạng sản phẩm cấp huyện, hoàn thành hồ sơ cấp huyện gửi tỉnh thi đánh giá phân hạng sản phẩm cấp tỉnh.

  Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vùng đất đa dạng sản phẩm đặc trưng