Theo dõi trên

Vượt khó giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế

21/01/2021, 09:58

BT- Năm 2020, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nắng hạn kéo dài, chịu tác động của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của tỉnh. Nhưng kinh tế của tỉnh tiếp tục giữ được sự tăng trưởng; tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh cao hơn mức bình quân của cả nước (đạt 4,54).

                
      Thi công đường 719B. Ảnh: Đ.Hòa

Khó khăn kép

Trong năm, tỉnh đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp với tổng giá trị 129,87 tỷ đồng; đã thu hút thêm 6 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 234,3 tỷ đồng và 6,3 triệu USD. Có thể thấy rằng chưa năm nào khó khăn như năm này, bởi hạn hán và dịch bệnh nên kết quả thu hút đầu tư có thể tạm chấp nhận trong điều kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, Bình Thuận vẫn nỗ lực tối đa triển khai các công trình, dự án điện gió, điện mặt trời và đẩy nhanh tiến độ thi công. Đã tổ chức thi công nâng cấp đường dây 110 kV Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí; đoạn 4 mạch đường dây 110 kV Lương Sơn - Hòa Thắng - Mũi Né; Trạm biến áp 220 kV Phan Rí 250 MVA... tạo điều kiện giải tỏa công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời, mà trước đó sản xuất ra không thể tải đi được.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành chế biến, chế tạo; các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Mặc dù vậy giá trị sản xuất công nghiệp đạt 36.390,2 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 10,02% so năm 2019; trong đó: công nghiệp khai khoáng đạt 755,9 tỷ đồng, tăng 12,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 17.334,6 tỷ đồng, tăng 2,66%; sản xuất và phân phối điện đạt 18.019,8 tỷ đồng, tăng 18,17%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 279,9 tỷ đồng, tăng 3,53%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 464,5 triệu USD, tăng 0,18% so năm 2019 với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như thủy sản, nông sản, dệt may, giày dép...; chủ yếu xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ... Hoạt động du lịch gặp nhiều khó khăn, nhiều tour, sự kiện, lễ hội bị hủy do dịch Covid-19. Toàn tỉnh đón được 3,295 triệu lượt du khách, bằng 46,6% kế hoạch, giảm 48,6% so năm trước (trong đó khách quốc tế đạt 171.000 lượt, giảm 77,9% so năm trước). Doanh thu du lịch đạt 9.400 tỷ đồng, bằng 52,8% kế hoạch, giảm 38,2% so năm 2019.

 Ưu tiên công trình trọng điểm

Trong năm 2020 các chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai kịp thời. Hoạt động thương mại ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Công tác thu ngân sách nhà nước có nhiều cố gắng; trong đó, thu nội địa đạt 94% dự toán. Việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm, bức xúc được tập trung chỉ đạo. Công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm, bức xúc được tỉnh tập trung chỉ đạo. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách tỉnh giải ngân đạt 3.035 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Đã bàn giao mặt bằng phục vụ thi công tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía đông) đoạn qua địa bàn tỉnh, dự án hồ Sông Lũy.

Sự nỗ lực trong năm đáng ghi nhận nữa là lãnh đạo tỉnh đã chủ động đăng ký làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dự án sân bay Phan Thiết; điều chỉnh quy hoạch, khu vực dự trữ titan; báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ 55 và 28B, đoạn qua địa bàn tỉnh; đề nghị Bộ Công Thương xem xét, thống nhất về quy hoạch phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy thì GRDP năm 2020 tăng 4,54%, đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây. Để giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 và những năm tiếp theo rất nhiều việc mà các cấp, ngành, địa phương cùng bắt tay vào thực hiện qua thu hút đầu tư hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong chồng lấn quy hoạch khoáng sản titan với quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác. Số dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm triển khai còn nhiều, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do nắng hạn kéo dài. Tiến độ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm; việc liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị còn yếu. Đây cũng chính là những lĩnh vực mà tỉnh đã xác định là 3 trụ cột trong nhiệm kỳ đến. 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XIV, cả hệ thống chính trị cần dốc sức, chung lòng vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngay từ đầu năm.

Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vượt khó giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế