Giá cả đã rục rịch tăng
Từ tháng 8/2022 đến nay, giá xăng dầu nhảy múa liên tục, hết lập kỷ lục lại giảm giá nhỏ giọt và đang tăng lên mức cao nhất trong khoảng 7 năm trở lại đây, với giá hơn 24.000 đồng/lít xăng RON95 và hơn 23.000 đồng/lít xăng E5RON92. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp vận tải ảnh hưởng nặng nề và rơi vào bế tắc khi mới “rô – đa” phục hồi sau 2 năm bị dịch Covid-19 làm điêu đứng. Với sức ép từ giá cước vận tải tăng, nhiều mặt hàng tiêu dùng khó tránh khỏi giữ giá cũ, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh và nhu cầu tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn TP. Phan Thiết những ngày đầu tháng 11, giá nhiều loại thực phẩm, rau xanh đã tăng mạnh so với thời điểm giữa năm do mưa lớn kéo dài, cộng thêm giá xăng tăng. Nhiều tiểu thương cho biết, với chi phí vận tải cao, nguồn cung hạn chế do thời gian qua mưa bão kéo dài khiến các vùng trồng rau trọng điểm của tỉnh bị ngập úng, không đủ cung cấp. Bên cạnh đó, rau, củ, quả từ Đà Lạt cũng tăng chóng mặt do phí vận chuyển thay đổi liên tục. Dự báo những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng, hàng hóa lại không dồi dào nên giá cả sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Ngoài ra, mặt hàng bánh kẹo, gia vị, thực phẩm tiêu dùng như dầu ăn, đường, hạt nêm… cũng có chiều hướng tăng. Đại diện nhà phân phối bánh kẹo lớn của TP. Phan Thiết cho biết, do nguyên liệu đầu vào tăng theo giá xăng dầu, nên hầu hết các mặt hàng đều được các công ty sản xuất thông báo tăng bình quân từ 7 – 10%, đặc biệt dầu ăn tăng khá cao. Thị trường bánh kẹo tết năm nay dự báo cũng tăng nhẹ do giá xăng dầu vẫn đang ở ngưỡng cao, sẽ kéo theo chi phí vận chuyển, nguyên vật liệu đều tăng theo. Điều này chắc chắn ảnh hưởng tới quyết định mức tiêu dùng của người dân, vì thế các nhà phân phối cũng không dám đặt hàng tết nhiều.
Còn tại 2 siêu thị lớn là Lotte Mart và Co.opMart do thường ký hợp đồng với nhà cung ứng hàng hóa từ đầu năm nên giá xăng dầu tăng tạm thời không ảnh hưởng đến hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào cùng nhiều chi phí nhà máy tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất, nên giá một số mặt hàng trong siêu thị đã bắt đầu lên, như mỹ phẩm, dầu ăn, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài… “Giá cả sản phẩm tăng là do nhà sản xuất tự quyết định. Các siêu thị, cửa hàng chỉ là nơi nhập và cung cấp hàng hóa cho nên không thể làm chủ về giá. Tuy nhiên, thời gian qua siêu thị liên tục có nhiều chương trình bình ổn giá nhằm chung tay chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng”, đại diện Siêu thị Co.opmart Phan Thiết cho biết.
Tác động mạnh đến doanh nghiệp sản xuất
Theo Liên bộ Công Thương - Tài chính, từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đã chi liên tục với mức chi 100 - 2.000 đồng/lít/kg, nên trong kỳ điều hành lần này, nếu không tăng chi Quỹ BOG thì giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 - 2.527 đồng/lít. Điều này sẽ tác động tiêu cực, đè nặng lên doanh nghiệp. Chưa kể, lãi suất ngân hàng tăng, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vay lại khó khăn càng khiến các cơ sở sản xuất khó chồng khó ngay thời điểm cuối năm cần gia tăng sản xuất.
Một doanh nghiệp xuất khẩu may mặc ở Bình Thuận chia sẻ, chi phí vận tải, logistics chiếm 8% trong doanh thu của doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng 10 - 20%. Mặc dù công ty đã ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài, trong đó nhiều hợp đồng ký kết đến giữa năm 2023 và đều chốt được các đơn giá. Tuy nhiên, việc xăng tăng giá mạnh sẽ khiến lợi nhuận của công ty giảm sút. Trước tình hình khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có biện pháp, chính sách hợp lý để cân đối cung cầu. Ngoài các công cụ bình ổn giá, cần xem xét giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu để làm hạ nhiệt mặt hàng này. Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ về tài chính, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào, sớm khôi phục sản xuất...
Hiện đang vào giai đoạn chuyển mùa và dịp cuối năm, nhiều địa phương đã có kế hoạch triển khai các chương trình kết nối giao thương, chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường phục vụ lễ, tết nên thị trường hàng hóa dịp cuối năm hy vọng sẽ không có nhiều biến động bất thường.
Đây là thời điểm các cơ quan chức năng và địa phương cần phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.