Theo dõi trên

Xây dựng chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn

03/07/2017, 08:31

BT- Chưa khi nào tâm lý người dân lại lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) như hiện nay. Thực phẩm “bẩn” ngày càng bành trướng, lan rộng làm người dân lo sợ trước mỗi bữa ăn của gia đình. Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát ATVSTP từ sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều bất cập, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cả người dân.

                
      
Siêu thị Co.opmart là một trong những chuỗi    cung ứng thực phẩm an toàn với sản phẩm rau sạch.

Thực phẩm “bẩn” tràn lan

Qua khảo sát, giám sát thực tế tại một số chợ trên địa bàn TP. Phan Thiết cho thấy, các sạp hàng bày bán thịt, cá, rau quả thậm chí cả đồ ăn chín được bày bán khá nhiều nhưng không được che đậy; nhiều hàng thịt, cá bày bán ngay trên nền đất, tương tự rau xanh cũng bày bán trên các tấm ni lông, tấm xốp bẩn… Thực tế tại các chợ trên địa bàn thành phố Phan Thiết và các địa phương trong tỉnh, tình trạng vi phạm ATTP tiếp tục diễn ra không chỉ với thực phẩm tươi sống mà các loại thực phẩm khô cũng đang báo động về tình trạng vi phạm.

Có thể thấy việc kiểm soát VSATTP của cơ quan quản lý nhà nước hiện nay còn kém hiệu quả, các chế tài, quy định còn thiếu, chưa đồng bộ, ý thức chấp hành của người kinh doanh chưa cao. Thêm vào đó, Luật Thú y được áp dụng từ ngày 1/7/2016, bỏ kiểm dịch nội tỉnh, càng gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Lực lượng kiểm tra lại “mỏng”, nhất là tuyến phường, xã trong khi đó phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, khó kiểm soát. Mới đây, tại Phan Thiết đã phát hiện một số cơ sở sản xuất, hộ dân vì hám lợi cố ý “phù phép” biến thực phẩm bẩn thành sạch bán cho người tiêu dùng…

                
   
Thực phẩm thủy sản khô an toàn của DNTN Đầm    Sen.

Để giải quyết triệt để tình trạng này, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát chất kháng sinh và an toàn vệ sinh trong khâu giết mổ gia súc, gia cầm; đồng thời hướng dẫn người dân phát triển các mô hình chăn nuôi theo chuỗi bảo đảm VSATTP. Riêng người dân cần tự chủ động bảo vệ mình trước những thực phẩm không bảo đảm an toàn. Người tiêu dùng phải biết “nói không” với thực phẩm “bẩn”. Tốt nhất, chỉ mua các sản phẩm đã được các cơ quan chức năng kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

 Kết nối nông sản sạch

Trên toàn quốc hiện có 47 địa phương có mô hình liên kết chuỗi cung ứng nông sản an toàn với 414 chuỗi; 69 địa chỉ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận bán sản phẩm an toàn theo chuỗi… Tại Bình Thuận, 6 tháng đầu năm Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã thực hiện cấp thêm 5 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại 5 điểm bày bán, nâng tổng số chuỗi trên toàn tỉnh là 16 chuỗi, 17 giấy xác nhận cho 107 sản phẩm nông thủy sản. Và theo định kỳ 2 tuần/lần, chi cục sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra nhanh tại các cơ sở đã được cấp giấy xác nhận cung ứng thực phẩm an toàn. Những cơ sở này là tiền đề, tiên phong sẽ cung cấp nông nản sạch cho người dân. Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là việc liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm. Tất cả các công đoạn đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm toàn bộ chuỗi, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về đảm bảo an toàn… Nhờ đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát được an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, số lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn vẫn còn khá khiêm tốn so nhu cầu thực tế của người dân trước nỗi lo thực phẩm mất an toàn. Tuy vậy, ngành chức năng cũng nhìn nhận, thực tế các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi tham gia chuỗi vẫn còn mang tính đối phó, liên kết giữa các cơ sở chưa mang tính bền vững, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm chuỗi sản phẩm an toàn còn nhiều hạn chế…

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 50% sản phẩm thực phẩm chủ lực của tỉnh được kiểm soát theo chuỗi, lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng thêm chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn trên rau và thịt heo. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân thực hiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Qua đó, chi cục sẽ phối hợp với ngành công thương quảng bá, kết nối cung cầu sản phẩm được kiểm soát an toàn và nhân rộng mô hình.

    
  

  1.344 cơ   sở ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn

    Trong 6   tháng đầu năm 2017, có 1.344 cơ sở ký cam kết sản xuất thực phẩm an   toàn. Lũy kế đến nay trên toàn tỉnh có 1.969 cơ sở ký cam kết sản xuất   thực phẩm an toàn, trong đó: 926 tàu cá dưới 90CV, 507 hộ trồng trọt,   426 hộ chăn nuôi, 110 hộ nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, việc xây dựng   chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; cấp giấy xác nhận sản phẩm   tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từng bước hoàn thiện và phát   triển. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có tất cả 16 chuỗi cung ứng   nông thủy sản an toàn, đã cấp 17 giấy xác nhận cho 107 sản phẩm nông   thủy sản.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn