Theo dõi trên

Xây dựng đô thị thông minh: Người dân và doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích

07/10/2022, 05:31 - Lượt đọc: 1,878

Đô thị thông minh là đô thị mà ở đó công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) được ứng dụng vào mọi hoạt động với mục tiêu xây dựng chính quyền thông minh có khả năng chủ động tương tác với người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cuộc sống đô thị trong tương lai, và xây dựng nền kinh tế thông minh sáng tạo và một thành phố văn hóa đẳng cấp… để mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

z3778451736349_76d50af76d041668207886e3e20cb3ae.jpg
Ảnh minh họa.

Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay của các đô thị là hoạt động kém hiệu quả với mô hình quản trị đô thị truyền thống. Mô hình quản trị truyền thống được xây dựng xung quanh các nhà cung cấp dịch vụ, hoạt động một cách độc lập, và được phát triển theo các chuỗi giá trị chiều dọc theo các lĩnh vực. Trong mô hình này, người dân phải tự tương tác với từng lĩnh vực và thông tin dữ liệu không được chia sẻ, gây giới hạn khả năng phối hợp và hợp tác giữa các lĩnh vực, cũng như giữa chính quyền và xã hội, tạo ra một hệ thống cồng kềnh và chậm chạp, khó thay đổi. Trong thực tế, khi các thành phố đang ngày càng mở rộng về quy mô, tạo ra một kết cấu quản lý với độ phức tạp và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các lĩnh vực ngày càng cao, thì mô hình này thực sự không còn hiệu quả. Đối mặt với nhu cầu giải quyết các vấn đề về đô thị hóa, tăng dân số, từ giữa thập niên 2000, một số thành phố lớn trên thế giới đã bắt đầu ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, công nghệ di động, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo... Đây được coi như giải pháp tối ưu để giải quyết việc quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội, điển hình như những giải pháp giải quyết các vấn đề nóng của thành phố như giao thông, y tế… Đó là những bước khởi đầu để tiến tới xây dựng đô thị thông minh. Và thực tế đã chứng minh, khi đô thị thông minh hình thành, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích.

Bởi lẽ bản chất của đô thị thông minh là việc thu thập, kết nối và tận dụng thông tin dữ liệu để giúp cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền có thể ra quyết định một cách chính xác nhất. Tại Bình Thuận, dù tỉnh chưa phải đối mặt với vấn đề liên quan đến tập trung dân số cao, nhưng việc xây dựng đô thị thông minh sẽ chính là cơ hội để chúng ta tận dụng khoa học công nghệ để không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt, đồng thời nắm bắt thời cơ bứt phá phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với định hướng xây dựng Bình Thuận đạt tiêu chuẩn đô thị trực thuộc Trung ương, đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Đô thị thông minh, với một hạ tầng dùng chung có thể được tận dụng tối đa giữa các lĩnh vực, sẽ cho phép sự chia sẻ đầy đủ về thông tin dữ liệu giữa các ngành, giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền, đáp ứng và hỗ trợ các nhu cầu hiện nay của các đô thị trong tỉnh. Qua đó, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các dịch vụ công tích hợp giữa các cơ quan nhà nước và được cá nhân hóa giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc tiếp cận các thông tin thời gian thực và tương tác với chính quyền trong các hoạt động của cuộc sống. Người dân và doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ các thông tin và công cụ tiện ích để thực hiện các thủ tục đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và có thể theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ, yêu cầu, kiến nghị theo thời gian thực. Người dân và du khách sẽ được cung cấp các dịch vụ chất lượng cao về du lịch, giao thông, y tế, giáo dục, môi trường được đảm bảo qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống tại tỉnh Bình Thuận. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp giám sát và tham gia vào quá trình xây dựng đô thị, phát huy vai trò làm chủ của người dân, sự đóng góp của doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là với lĩnh vực du lịch. Môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện thông qua các biện pháp cải cách hành chính hiệu quả, giảm thủ tục, hồ sơ giấy, tăng cường đăng ký kiểm tra, cấp phép giám sát điện tử, có sự phối hợp liên ngành và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp có thể sử dụng dữ liệu mở để cùng hợp tác xây dựng các giải pháp thông minh giúp giải quyết những vấn đề chung của địa phương…

Tóm lại việc xây dựng đô thị thông minh trong thời gian tới là rất cần thiết, song vẫn cần sự nghiên cứu tỉ mỉ, triển khai thử nghiệm và có sự tổng kết rút kinh nghiệm, đồng thời phải đảm bảo được tính kế thừa, tránh lãng phí nguồn lực cho các hệ thống, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông hiện tại cũng như các dự án công nghệ thông tin đang được triển khai. Hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cần phải nhận thức việc xây dựng đô thị thông minh là một công cuộc xây dựng cần sự đóng góp, tham gia của mọi người dân, doanh nghiệp, mọi cơ quan, đơn vị, địa phương để thu hút được các nguồn lực xã hội và mọi thực thể của địa phương cùng tham gia vào quá trình xây dựng đô thị thông minh.

BẢO TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cử tri Tân Hà kiến nghị khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
BTO - Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vừa có buổi tiếp xúc với cử tri xã Tân Hà (Hàm Tân).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng đô thị thông minh: Người dân và doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích