Theo dõi trên

Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc

22/08/2022, 05:58

Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và có tầm quan trọng quyết định đến việc hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh và phát triển bền vững. Với tầm quan trọng ấy, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2238/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.

Cùng với cả nước, thực hiện Quyết định số 2238 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 2585 ngày 5/8/2022 về thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch được ban hành nhằm xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, phân công cụ thể các nội dung, kế hoạch của tỉnh để thực hiện có hiệu quả Chiến lược, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Kịp thời quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình; chú trọng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 để tổ chức thực hiện có hiệu quả ở địa phương. Cùng với đó, kế hoạch sẽ giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh được tăng cường nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các cá nhân, gia đình và cả cộng đồng về tầm quan trọng của công tác gia đình.

gia-dinh.jpg
Gia đình hạnh phúc tiêu biểu tham gia Ngày hội Gia đình yêu thương. Ảnh: T.Linh

Với mục tiêu chung là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu: 100% các gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; đặc biệt quan tâm hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển. 100% các gia đình được tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị tốt đẹp của gia đình hiện đại. 100% các địa phương có mô hình về truyền thống, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở...

Để đạt được các mục tiêu trên, kế hoạch đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính. Đó là nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giá trị gia đình trong tình hình mới; hoàn thiện chính sách, pháp luật về gia đình; xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc, tạo điều kiện cho mọi thành viên được thụ hưởng, phát triển toàn diện; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về gia đình; phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư, huy động xã hội hóa, phát triển lĩnh vực gia đình.

Cùng với việc thực hiện triển khai các chương trình, kế hoạch hàng năm về công tác gia đình, thời gian qua, nhiều phong trào thi đua nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình đã được các địa phương triển khai, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình. Các phong trào thi đua như: Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Xây dựng gia đình hạnh phúc; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới.. đã mang lại những hiệu ứng tích cực, giúp mỗi người thêm trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình.

NGỌC HÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ngày Gia đình Việt Nam: Tôn vinh giá trị gắn kết
Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) luôn có những giá trị rất riêng. Đây cũng là dịp để tôn vinh những giá trị cơ bản nhất...
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc