Phấn đấu thêm 2 xã về đích NTM
Huyện Hàm Thuận Bắc phấn đấu đưa Đông Tiến đạt chuẩn xã NTM năm 2022. Từ đầu năm nay, người dân phấn khởi khi hạ tầng trường học được đầu tư đạt chuẩn, đường vào các khu sản xuất Sông Do – Cà Tót hoàn thành đưa vào sử dụng. Địa phương tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng cải thiện thu nhập, một số cây trồng mới, giống mới chuyển giao đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của đồng bào. Chủ tịch UBND xã Đông Tiến - K’Văn Góa cho biết: Ngoài các cây trồng chủ lực là lúa, bắp xã Đông Tiến đã mở rộng được thêm 10 ha trồng đậu bắp Nhật, 6 ha ớt liên kết chuỗi, người dân có lãi khá. Tuy vậy, dù hiệu quả nhưng xã vẫn chưa thể khuyến khích nhân rộng bởi còn lo kỹ thuật canh tác bà con chưa chú tâm, sản phẩm chưa đạt theo yêu cầu của đơn vị thu mua.
Đồng bào K'ho xã Đông Tiến làm quen nhiều kỹ thuật canh tác mới, đưa giống lúa mới vào gieo sạ
Cuối tháng 8 vừa qua, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng với UBND xã Đông Tiến chuyển giao kỹ thuật trồng ớt đạt chứng nhận VietGAP theo mô hình liên kết chuỗi cho bà con. Sau khi đơn vị tư vấn tập huấn lấy mẫu đất đã giao giống cho người dân về ươm. Đợt này có 10 hộ tham gia với quy mô 2 ha, sản phẩm thu hoạch sẽ được Công ty TNHH Nông sản Hoàng Gia (Tánh Linh) tiêu thụ. Chủ tịch UBND xã Đông Tiến cho biết thêm: Bà con được tập huấn theo kiểu vừa dạy lý thuyết vừa thực hành “cầm tay chỉ việc”. Với sự theo sát của cán bộ kỹ thuật mong muốn sẽ có thêm cây trồng hiệu quả, đồng bào làm quen với kỹ thuật canh tác mới.
Xã Đông Tiến có 329 hộ/1.162 khẩu/2 thôn, hơn 90% là đồng bào K’ho và số ít người Kinh đến lập nghiệp. Từ xã vùng cao nghèo khó, xã Đông Tiến đã đổi thay nhờ chính sách đầu tư của Trung ương, của tỉnh. Đặc biệt là từ khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đồng bào hưởng lợi từ chính sách cấp đất sản xuất, hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò, đầu tư ứng trước đã tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống đang tiến tới đạt chuẩn xã NTM. Đến nay xã Đông Tiến cơ bản hoàn thành được 14/19 tiêu chí theo yêu cầu Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 – 2025. Trong số các tiêu chí còn lại địa phương lo lắng nhất là tỷ lệ hộ nghèo bởi toàn xã hiện còn 76 hộ nghèo và thu nhập của xã còn thấp hơn so với quy định, chỉ ở mức 36 triệu đồng (41 triệu đồng). Cùng phấn đấu về đích xã NTM cuối năm nay còn có xã Thuận Hòa hiện đã đạt được 16/19 tiêu chí, xã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện “tăng tốc” thực hiện các tiêu chí còn lại.
Nỗ lực cho vấn đề cốt lõi: Thu nhập
Rà soát của UBND huyện Hàm Thuận Bắc, theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 – 2025, toàn huyện đạt 219 tiêu chí, bình quân 14,6 tiêu chí/xã, giảm 23 tiêu chí so với bộ tiêu chí cũ, hầu hết các xã đều giảm từ 2 – 4 tiêu chí. Một số tiêu chí đã đạt nhưng thiếu bền vững như môi trường, tỷ lệ người dân tham gia BHYT… Theo kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, huyện Hàm Thuận Bắc đầu tư cho 6 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Hàm Trí, Hàm Phú, Hồng Sơn, Hàm Đức, Thuận Minh, Hàm Chính.
Để hoàn thành lộ trình đạt xã NTM nâng cao giai đoạn tới thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải dồn sức cho tiêu chí thu nhập. Địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp tăng thu nhập người dân. Nổi bật huyện thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ sản xuất lúa theo Nghị định 62 của Chính phủ. Vụ đông xuân năm nay, 1.350 hộ nông dân ở 14/17 xã, thị trấn toàn huyện được hỗ trợ giống lúa mới như OM5451, OM18, OM375, Đài thơm 8, nàng hoa 9, ST 25 gieo trồng với diện tích 883 ha và thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi. Kết quả, năng suất bình quân đạt gần 65 tạ/ha, vụ hè thu này ở 12 xã, thị trấn có 775 hộ tiếp tục sản xuất giống lúa mới, trong đó có 118 hộ thực hiện liên kết sản xuất diện tích 45,5 ha.
Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ sản xuất, mô hình khuyến nông, nhân rộng thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tăng hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân tạo động lực chương trình xây dựng NTM.