Trong 3 năm gần đây, nhất là từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, việc phát triển thành phố thông minh đã được triển khai khá mạnh mẽ với nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực này cả về thể chế, phương thức thực hiện và sự tham gia của các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp. Hiện có trên 20 tỉnh, thành phố nghiên cứu và phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh, tiêu biểu như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng... Tại Bình Thuận, được biết Sở Xây dựng đã tham mưu kế hoạch và lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai mô hình đô thị thông minh trên địa bàn Bình Thuận đến năm 2025, trong đó tập trung xây dựng Phan Thiết thành đô thị thông minh.
Các chuyên gia đô thị học dự báo, thế kỷ XXI là thế kỷ của đô thị, với hầu hết dân số thế giới sẽ sống trong các đô thị. Vào năm 2050, cứ 10 người trên thế giới thì có 8 người sống ở các thành phố và đó cũng là tương lai của nhân loại. Tuy nhiên một thực tế hiện nay, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam với sự bùng nổ đô thị thiếu kiểm soát đã phát sinh nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, nạn kẹt xe, tai nạn giao thông, mất an ninh trật tự, trộm cắp, cướp giật… Một bộ phận cư dân, đặc biệt là nhóm yếu thế trong xã hội, dễ dàng bị lãng quên những quyền lợi tối thiểu được hưởng thụ của đô thị. Hầu hết các khu đô thị thiếu diện tích công cộng phục vụ cộng đồng, như sân chơi cho trẻ em, nơi nghỉ dưỡng cho người già, công viên cây xanh, vườn hoa, bãi để xe. Các công viên lớn, trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí được đầu tư cũng chỉ để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ của một bộ phận có kinh tế khá giả, còn người nghèo, người thu nhập thấp và con cái của họ ít có cơ hội tiếp cận…
Theo các nước đi trước, một đô thị thông minh phải hội tụ đủ các điều kiện: Kinh tế thông minh (phát triển bền vững, có năng lực cạnh tranh); kết cấu hạ tầng thông minh (giao thông, dịch vụ đồng bộ, phúc lợi công cộng, môi trường an toàn, giáo dục, văn hóa, lao động việc làm, phân phối thu nhập...); cư dân thông minh; tài nguyên thiên nhiên hài hòa; cuộc sống thông minh (chất lượng sống tốt cho mọi cư dân); quản lý đô thị thông minh… Muốn xây dựng đô thị thông minh, trước hết phải có sự đồng thuận của 3 nhân tố là Nhà nước, thị trường và xã hội. Trong đó, Nhà nước là người kiến tạo, cầm lái; thị trường là động lực vận hành; xã hội là những người giám sát thực hiện. Nói cách khác là phải có chính quyền mạnh, doanh nghiệp tốt, xã hội thông minh đồng thuận. Đồng thời, cần có công nghệ và nguồn vốn đáp ứng cho việc đầu tư, phát triển.
Như vậy, để xây dựng Phan Thiết trở thành đô thị văn minh, hướng tới thành phố hạnh phúc trong tương lai còn rất nhiều việc phải làm và không phải ngày một ngày hai là có được. Sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan là yếu tố then chốt trong thành công của thành phố. Trong đó xây dựng chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng đô thị thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để có thể chia sẻ và tích hợp phục vụ công tác quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công cho người dân. Xây dựng các ứng dụng thông minh trọng điểm trên các lĩnh vực tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, an ninh an toàn, du lịch trên địa bàn thành phố để hướng tới phục vụ người dân tốt hơn.
Nói chung, đô thị thông minh hoàn thiện là phải có hệ thống quản lý, cung cấp, theo dõi, điều hành toàn bộ đô thị bằng công nghệ, trong đó có cả việc triển khai, thực hiện thủ tục hành chính. Do đó, để xây dựng đô thị Phan Thiết thông minh, đòi hỏi phải trang bị công nghệ bậc cao và hệ thống hạ tầng đô thị cũng như quản lý phải đồng bộ, đáp ứng được công nghệ bậc cao đó. Trong thời đại công nghiệp 4.0, việc tiếp cận công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực là không phải quá khó, nhưng gánh nặng tài chính đối với Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng đang là “vấn đề khó”. Vì vậy ngoài việc “Cân đối bố trí ngân sách cho các sở, ngành, địa phương triển khai” như dự thảo, thì cần có chính sách để huy động các nguồn lực khác như vốn tài trợ quốc tế và trong nước, vốn vay ODA, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối, nguồn vốn từ các nhà đầu tư chứng khoán và nguồn tiền trong dân… Đây là nguồn vốn rất lớn, nếu có chính sách đủ tốt thì sẽ huy động được rất nhiều cho xây dựng Phan Thiết thành đô thị thông minh trong tương lai.
THẾ NAM