Theo dõi trên

Xây dựng thế hệ trẻ có bản lĩnh, văn hóa con người Việt Nam

17/03/2019, 09:03

BTO - Trong quá trình hội nhập quốc tế, nước ta chịu nhiều ảnh hưởng, tác động của văn hóa từ bên ngoài xâm nhập, đan xen cả những yếu tố tố tích cực lẫn tiêu cực. Năm 1998, Hội nghị lần thứ 5, BCH Trung ương (khóa VIII) ban hành Nghị quyết về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (sau đây gọi tắt là NQTW5), xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mực tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, văn hóa nước nhà có nhiều chuyển biến tích cực, song cũng có nhiều hạn chế, trong đó có sự suy thoái về đạo đức, lối sống con người. Thanh niên là lớp người nhanh nhạy, dễ tiếp thu cái mới trong quá trình hội nhập, tất yếu bị tác động nhiều nhất, nhất là những yếu tố ngoại lai, không phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc… Thực trạng này rất đáng lo ngại, bởi thanh niên là người chủ tương lai...

Khi đánh giá về thanh niên, nhiều người thường nhìn đến các biểu hiện tiêu cục như phai nhạt lý tưởng cách mạng, bàng quan chính trị, lối sống buông thả, lệch lạc thần tượng, sống thiếu nhân nghĩa, vi phạm pháp luật… Tựu chung lại, cho rằng đó là sự suy thoái về văn hóa, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng của một bộ phận thanh niên. Song, nhìn toàn diện, chúng ta thấy có rất nhiều điều tốt đẹp đang hiện diện ở khắp mọi nơi trong đời sống của thanh niên. Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Thanh niên vào cuối năm 2012, phần lớn thanh niện hiện nay có lòng yêu nước, có niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng; có nhậnthức và thái độ chính trị đúng đắn, quan tâm đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; có ý chí vươn lên, mong muốn được cống hiến cho Tổ quốc; có phẩm chất tốt, tôn trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội, các giá trị văn hóa truyền thống; sống có nghĩa tình, biết quan tâm giúp đỡ người khác… Điều đó có thể dễ dàng thấy được qua Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều nhà báo nước ngoài đã rất ngạc nhiên không hiểu tại sao các bạn trẻ Thủ đô lại có thể cầm tay nhau làm hàng rào sống để giữ trật tự, lấy nước, lấy bánh mì và quạt mát cho những người dân đến viếng Đại tướng. Nhưng thanh niên Việt Nam không chỉ có vậy, họ còn làm hàng rào sống để phân luồng giao thông, chống tắc đường; Hàng vạn bạn trẻ, cứ đến mùa hè, là gác lại chuyện vui chơi, thậm chí có nhiều bạn gác lại chuyện mưu sinh khi đi dạy thêm, làm thêm để lên vùng sâu, vùng xa giúp đỡ nhân dân trong chuyến dịch thanh niên tình nguyện hè; mùa Đông lạnh giá, họ nghĩ đến những em bé, cụ già ở vùng núi cao không đủ ấm, vậy là có thêm tình nguyện mùa Đông, có Xuân biên giới với áo ấm, khăn choàng, nhiều quà tặng khác được vận động quyên góp giúp đồng bào miền núi cao.

Có những tấm gương sáng quên mình vì cộng đồng như anh Trần Hữu Điệp – “người hùng” đã nhường áo phao của mình vào giây phút giữa sự sống và cái chết trong vụ chìm tàu thảm khốc ở Cần Giờ; tấm gương Nguyễn Văn Nam hy sinh thân mình cứu 5 em nhỏ tại Nghệ An. Và rất nhiều thanh niên tình nguyện hiến máu cứu người mà không đòi hỏi một sự bù đắp nào. Có người phê bình thanh niên khi họ bày nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự trên mạng, tuy nhiên đó chỉ là một vài cá biệt. Thanh niên có rất nhiều cách thể hiện lòng yêu nước. Họ đã viết những cuốn sách, những ca khúc, những clip bằng tấm lòng yêu nước, tự hào về đất nước của mình.

Với chức năng trường học xã hội của thanh niên, Đoàn thanh niên kiên trì mục tiêu giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, đạo đức, lối sống cho thanh niên xem đây là công tác quan trọng, thường xuyên, liên tục của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng lớp thanh niên Việt Nam thời kỳ mới, phấn đấu có những đức tính tốt đẹp mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đề ra, định hướng thanh niên trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.

Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), các mặt công tác, đặc biệt là công tác giáo dục của Đoàn đã được triển khai đồng bộ, có nhiều đổi mới về phương thức và nội dung, với nhiều mô hình mới, sáng tạo, gần gũi, thiết thực với thanh niên, như:

Thứ nhất: Đoàn đã biết tạo ra những cuộc vận động lớn để giáo dục thanh niên. Các cuộc vận động của Đoàn luôn hướng tới những giá trị thực, gắn với hành động cụ thể. Chẳng hạn, từ cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, đã xuất hiện những mô hình phong phú để giáo dục thanh thiếu nhi như viết “Nhật ký, sổ vàng làm theo lời Bác”, “Sổ tay tự rèn”, Quỹ tiết kiệm, thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, quy định 8 điều cán bộ Đoàn nên làm, không nên làm… Từ cuộc vận động đoàn viên ưu tú phấn đấu trở thành đảng viên, xuất hiện nhiều học sinh, sinh viên được kết nạp trong trường học, trên các công trình thanh niên, trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè… Từ cuộc vận động “Sống đẹp, sống có ích”, xuất hiện những tấm gương thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực với những hành động, việc làm nhân nghĩa, nhân văn…

Thứ hai, Chú trọng giáo dục thanh niên thông qua các phong trào hành động cụ thể, lấy môi trường thực tiễn để bồi dưỡng, rèn luyện, vui đắp những giá trị về đạo đức, văn hóa tốt đẹp cho đoàn viên thanh niên… Các phong trào của Đoàn ngày càng phù hợp, gần gũi với thanh niên hơn nữa và tạo hiệu ứng xã hội lớn hơn. Nhìn lại những kết quả đạt được, dù khiêm tốn Đoàn khá mạnh dạn khi đề xuất xây dựng Đảo thanh niên, xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp dọc biên giới; mạnh dạn khi tổ chức chuyến tàu đưa thanh niên đi thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở quần đảo Trường Sa hay đi dọc biển Đông theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển để giáo dục lòng yêu nước và chủ quyền biển đảo; mạnh dạn khi phối hợp các bộ, ngành, địa phương đưa trí thứ trẻ về công tác ở vùng sâu, vùng xa và gần đây nhất là đưa 600 bạn trẻ dưới 30 tuổi về xã làm phó chủ tịch UBND. Các phong trào thanh niên tình nguyện, tiếp sức mùa thi thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Những việc làm đó đã tạo ra môi trường thực tiễn rất phong phú, sinh động để giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện thanh niên.

Thứ ba, Bám sát nguyên lý của giáo dục thông qua nêu gương điển hình, người tốt, việc tốt; tổ chức Đoàn, Hội đã chú trọng phát hiện, tuyên dương, nhân rộng điển hình. Trong sinh viên có “Giải thưởng Sao Tháng giêng”; trong học sinh có “Giải thưởng Lý Tự Trọng”; trong thanh niên nông thôn có “Giải thưởng Lương Định Của”; cho thanh niên công nhân có “Giải thưởng Người thợ trẻ giỏi”; trong doanh nhân có “Giải thưởng Sao đỏ” và các giải thưởng cho thanh niên quân đội, công an, giải thưởng cho thầy thuốc trẻ giỏi, “Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam” tiêu biểu… Đối tượng thanh niên nào cũng được tác động bằng các hình thức biểu dương, tuyên dương phù hợp, có tác dụng tốt.

Thứ tư: Đoàn đã kịp thời định hướng giá trị đạo đức, nhân cách cho thanh thiếu nhi thông qua các diễn đàn trên hệ thống báo chí và sinh hoạt đoàn, hội. Chẳng hạn như việc xuất bản 2 cuối “Nhật ký chiến tranh”, “Nhật ký Nguyễn Văn Thạc”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và trở thành 2 cuốn bán chạy nhất trong lịch sử xuất bản Việt Nam, gắn với diễn đàn “Mãi mãi tuổi 20”. Hoặc trước những biểu hiện lệch lạc giá trị của thanh niên về thần tượng, các báo của Đoàn đã có diễn đàn: “Lệch lạc thần tượng”, “Lệch lạc nhân cách”, “Đâu là hình mẫu thanh niên thời đại mới”, “Sống sao cho chuẩn”, “Tội ác đến từ đâu…”, qua đó đã kịp thời tạo dư luận xã hội sâu rộng, từng bước phân tích, giúp thanh niên nhận thức được những giá trị đích thực của con người mới, động viên, cổ vũ thanh niên hướng đến những giá trị tốt đẹp đó.

Tuy nhiên, công tác giáo dục của Đoàn hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là, chưa cụ thể hóa nội dung giáo dục phù hợp với các đối tượng thanh thiếu nhi; việc đổi mới phương thức giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận trong thanh niên chưa kịp thời, nhất là qua mạng internet còn chưa nhạy bén. Việc tổ chức các phong trào hành động cách mạng tuy diễn ra sôi nổi, đều khắp nhưng có những nơi còn mang nặng tính hình thức, thiếu hiệu quả. Các cấp bộ Đoàn tuy đã làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng nhưng còn lúng túng trong việc nhân rộng các điển hình tiên tiến. Việc sử dụng các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn, các phương tiện truyền thông hiện đại vào công tác giáo dục chưa phát huy tối đa hiệu quả; công tác tuyên truyền còn thiếu, chưa sinh động, hấp dẫn thanh thiếu nhi. Chưa phát huy hết các điều kiện, nguồn lực, thiết chế văn hóa phục vụ cho công tác giáo dục; chưa thực sự hình thành, tạo ra những trào lưu mới, tích cực trong thanh thiếu nhi, vì vậy, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng trong thanh niên vẫn còn đáng lo ngại như đã đặt vấn đề ở trên.

Tổ chức Đoàn nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước những hạn chế tồn tại đó và đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục, song Đoàn Thanh niên cũng nhận thấy thanh thiếu niên chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố khác. Xuất phát từ nhận thức: Giáo dục thanh niên không phải là nhiệm vụ riêng của Đoàn, mà còn là của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội; vậy, xin đề xuất một số kiến nghị sau:

1. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý văn hóa, kịp thời ngăn chặn tác động xấu của các sản phẩm không lành mạnh đến thanh niên. Chỉ đạo và tạo điều kiện, khuyến khích các cơ quan văn hóa, văn học nghệ thuật, điện ảnh sáng tác và phổ biến nhiều công trình, tác phẩm có giá trị giáo dục tốt cho thanh niên ,thực tế cho thấy thanh niên chịu ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa từ bên ngoài vào, lại càng lệch lạc trong các chuẩn giá trị. Đồng thời, siết chặt quản lý những ấn phẩm, trang mạng, game online có nội dung không lành mạnh, ảnh hưởng không tốt đến thanh niên.

2.Cần phải tấn công mạnh mẽ vào các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh hơn cho tuổi trẻ.

3.Tuổi trẻ cần có không gian để vui chơi, giải trí, song cùng với quá trình đô thị hóa, chỗ chơi cho thanh niên ngày càng hiếm hoi. Do vậy các địa phương, ngành chức năng quan tâm dành quỹ đất và đầu tư thỏa đáng những thiết chế văn hóa để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho thanh thiếu niên; đầu tư, trang bị cơ sở vật chất phục vụ thông tin, tuyên truyền vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

4.Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về việc phải dành tỷ lệ nhất định trong quỹ đất để bố trí nhà ở và xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế cho công nhân, nhất là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, tập trung đông công nhân lao động làm việc, sinh sống; đồng thời tạo điều kiện để thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Dương Văn An

(Trích từ tập Thời Áo Xanh)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng thế hệ trẻ có bản lĩnh, văn hóa con người Việt Nam