Theo dõi trên

Xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh

21/04/2021, 09:08

BT- Ngày nay, khi các phương tiện thông tin nghe, nhìn ngày càng phong phú, mạng internet có mặt mọi lúc, mọi nơi, thì việc đọc sách hay văn hóa đọc của học sinh cũng đang thay đổi…

                
Những chuyến xe thư viện lưu động góp phần    “gieo mầm” văn hóa đọc.

Sách có còn hấp dẫn?

Trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng như báo điện tử, truyền hình, facebook, youtube… người đọc không còn nhiều hứng thú với sự đọc. Sách in không cạnh tranh được với sách điện tử, báo mạng. Tình trạng lười đọc sách, trong đó có sách văn học diễn ra ở nhiều thành phần xã hội, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Thậm chí người đọc trẻ hướng đến và lựa chọn đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng.

Tại một ngôi trường tiểu học ở Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam), chỉ cách TP. Phan Thiết chừng 10 km, nhưng khi được hỏi, rất nhiều em đều trả lời không có quá 5 cuốn truyện, sách tham khảo các loại tại góc học tập. Mặc dù nhà trường có bố trí các góc đọc sách tại sân trường vào giờ ra chơi, nhưng số học sinh tham gia chưa đông và chủ yếu tìm đọc truyện tranh các loại.

Số liệu thống kê từ Thư viện tỉnh năm 2020, chỉ có gần 23.000 lượt người đọc đến thư viện, trong đó thiếu nhi hơn 7.000 lượt. Tính từ năm 2018 – 2020, Thư viện tỉnh cấp được 2.296 thẻ thư viện. So với 9 tỉnh trong Liên hiệp Thư viện khu vực miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ, với số lượng ấy Bình Thuận chỉ cao hơn Ninh Thuận và Bình Phước.

Những năm gần đây, Nhà nước đã rất nỗ lực trong việc cải thiện văn hóa đọc bằng nhiều hình thức như ban hành Luật Thư viện, tổ chức các ngày hội sách, tuần lễ văn hóa đọc và bắt đầu hình thành, xây dựng được chiến lược cụ thể, lâu dài cho việc phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, thực tế với sự bùng nổ của phương tiện đọc công nghệ đã hình thành các phương thức đọc mới. Đó là thay vì mang theo một cuốn sách để đọc khi đi tàu xe, ở nơi công cộng hay khi nghỉ ngơi tại nhà, nhiều người đã lựa chọn điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị đọc điện tử. Bởi không chỉ tiện lợi mà người đọc có thể lưu trữ, đánh dấu, ghi chú và tổ chức tài liệu thông minh hơn, khoa học hơn nhờ các tính năng tiện ích của thiết bị đó. Có không ít chương trình giới thiệu sách hay mỗi ngày giúp người đọc tiếp cận một cách cơ bản nội dung và giá trị cuốn sách mà không mất thời gian đến thư viện, nhà sách tìm kiếm. Cũng có những chương trình đọc sách audio, các kho sách nói thay chế độ đọc bằng chế độ nghe...

Sự “dịch chuyển” sang sách điện tử e-book là xu thế tất yếu, nhưng thực tế không phải vùng, miền, khu vực nào cũng được tiếp cận, bởi còn tùy thuộc vào mức độ phủ sóng của công nghệ thông tin và điều kiện sống. Những điều trên, phải chăng sách in bây giờ không còn hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc hay là vì chúng ta chưa hiểu đúng về giá trị của việc đọc?  

Những chuyến xe “gieo mầm” và tiết học tại thư viện

Chưa khi nào Việt Nam nhắc đến văn hóa đọc sách, thói quen đọc sách nhiều như những năm vừa qua. Rất nhiều chương trình, dự án khuyến đọc đã được triển khai đến nhiều đối tượng trong xã hội như đọc sách cùng con, đại sứ văn hóa đọc, dự án sách và hành động… Trong đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” nêu rõ phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước.

Ở Bình Thuận, cùng với sự phối hợp của các sở ngành trong tuyên truyền, thực hiện làm thẻ thư viện miễn phí, hưởng ứng cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, chương trình đọc sách mùa hè… thì từ tháng 10/2019, khi được hỗ trợ xe thư viện lưu động đã đánh dấu bước lan tỏa của văn hóa đọc và “tiếp sức” cho các trường học xây dựng thư viện xanh. Nhất là trường học ở vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít có điều kiện tiếp cận với sách, internet. Bà Nguyễn Thái Ngọc Hân (cán bộ Thư viện tỉnh) cho biết: Nhiều nơi, thầy, cô giáo thể hiện sự trân trọng với sách, với chương trình hoạt động. Còn học sinh thì háo hức, tò mò tiếp nhận món quà tri thức vô hình nhưng sinh động, gợi cảm từ những con chữ trên các trang sách đem lại. Những buổi đọc sách lưu động thực sự là “ngày hội gieo mầm văn hóa đọc”.

                
Học sinh Trường tiểu học Xuân An tập trung    đọc sách trong giờ đọc tại thư viện.

Cùng với đó, để văn hóa đọc phát triển bền vững, lan tỏa trong cộng đồng thì việc xây dựng thói quen đọc sách cho các em từ khi còn nhỏ vô cùng quan trọng. Ở lứa tuổi học sinh, hình thành thói quen đọc sách, làm bạn với những trang sách bổ ích, lý thú sẽ giúp phát triển tốt hơn về sự hiểu biết, vốn sống, cách ứng xử, chia sẻ với mọi người, trau dồi khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói và viết. Ở tuổi trưởng thành, mỗi người cần đọc sách để cập nhật kiến thức, thông tin để trau dồi kỹ năng, nghề nghiệp tránh bị lạc hậu trong thời đại hiện nay. Rất mừng từ năm học 2020 – 2021, Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Phan Thiết đã có kế hoạch tổ chức hoạt động thư viện trong trường tiểu học. Mặc dù thời gian triển khai chưa lâu, nhưng sự hào hứng, ý thức giữ gìn và chủ động tìm kiếm thông tin từ sách đã bước đầu được hình thành trong học sinh.

Cô Hàn Thị Bích Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân An chia sẻ: Nhà trường đã thông qua “tiết đọc thư viện”, từ đó lên kế hoạch từng tuần, từng tháng, từng quý để 707 học sinh/20 lớp đều được tiếp cận với sách. Cụ thể, ngoài “thư viện xanh” được bố trí ở các góc cầu thang cho các em đọc sau mỗi giờ ra chơi, nhà trường còn củng cố và bổ sung số đầu sách tại phòng thư viện thông qua xã hội hóa, đóng góp từ học sinh. Tổng số đầu sách hiện có hơn 1.000 cuốn, được phân loại theo từng danh mục như truyện cổ tích, truyện tranh, truyện tổng hợp, lịch sử địa phương, lịch sử nước nhà, sách khám phá khoa học tự nhiên, sách kỹ năng sống, sách giáo khoa…

Đồng thời, trường lấy 2 tiết sinh hoạt tập thể/tháng cho học sinh đọc sách tập trung. Nhờ thời gian đọc kéo dài nên các em tự do tìm sách theo sở thích, sau đó chia sẻ trong nhóm những gì đọc được. Khi đọc đều có sự giám sát, hướng dẫn của giáo viên. Cuối mỗi tháng, trường sẽ sơ kết nội dung các em đã đọc, lĩnh hội được giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách. Đặc biệt biết cách lựa chọn, tra cứu, tìm hiểu sách theo sở thích, hình thành kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp thông qua các hoạt động thư viện. Qua đây cũng giúp cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên thư viện biết cách tổ chức, quản lý hoạt động thư viện nhằm xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường và lan tỏa tới gia đình, cộng đồng.

Với những giải pháp trên của Thư viện tỉnh và các trường học, hy vọng là cách để thu hút học sinh, tạo niềm hứng khởi cho các em trở lại với sách trong thời gian tới.

    
    Tính riêng   năm 2020, xe lưu động của Thư viện tỉnh đã phục vụ cho 49 điểm trường   học, nhà văn hóa và hiệu quả hơn tất cả các cuộc truyền thông vận động   đọc sách trước đây, với hơn 22.000 học sinh tham gia.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh