Theo dõi trên

Xây dựng văn hóa giao thông: Nhìn ở góc độ chấp hành luật

17/02/2022, 06:25

Tuần qua, sự kiện thu hút quan tâm của dư luận là việc đề xuất tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Trong khi Bộ Công an khẳng định sự cần thiết phải tách luật để bảo vệ người tham gia giao thông, còn Tổng cục Đường bộ cho rằng không nên tách, vì chưa đảm bảo tính độc lập của 3 thành tố hành pháp, lập pháp và tư pháp.

giao-thong.jpg
Ảnh minh họa.

Chưa rõ quan điểm của bên nào đúng, nhưng nhìn nhận ở góc độ của người dân, có thể thấy rằng: Giao thông đường bộ ở nước ta quả là cực kỳ rối ren, từ việc tuân thủ luật, hạ tầng giao thông bất cập, ứng xử thiếu văn hóa khi tham gia giao thông kể cả người tham gia giao thông và lực lượng chấp pháp thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng văn hóa giao thông là điều mà nhiều người mong muốn để giảm thiểu sự hỗn loạn, vốn là một đặc trưng của giao thông ở nước ta.

Đi trên nhiều đoạn đường chúng ta đều dễ dàng nhìn thấy các khẩu hiệu “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, “Đã uống rượu bia, không lái xe”, “Nhanh một phút, chậm một đời”, “Phía trước tay lái là sự sống, hãy lái xe bằng cả trái tim” như một lời nhắc nhở đối với người tham gia giao thông hãy chấp hành Luật Giao thông, vì sự an toàn của bản thân cũng như xã hội. Thực tế hàng ngày xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông, là nỗi ám ảnh gieo rắc không chỉ cho người tham gia giao thông mà còn là nỗi sợ hãi chung của toàn xã hội. Một người bị tai nạn giao thông không chỉ bản thân người đó chịu thiệt mà kéo theo cả gánh nặng cho gia đình và xã hội. Câu hỏi được đặt ra “Giải pháp nào để giảm số vụ tai nạn giao thông?”. Rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này, như: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng (cầu, đường), kiểm định chặt chẽ phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn, tăng mức phạt...

Tất cả các quy định này đều đã thể hiện trong các luật, văn bản pháp luật quy định, nhưng có một nguyên nhân rất quan trọng vẫn là ý thức tuân thủ chấp hành của người tham gia giao thông chưa tốt. Mặc dù các cơ quan chức năng có rất nhiều hình thức tuyên truyền nhưng khi nhìn vào thực trạng hiện nay, lại thấy thật đáng buồn. Tình trạng vượt đèn đỏ vẫn thường xuyên diễn ra, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, vượt ẩu, chống người thi hành công vụ cá biệt có trường hợp sử dụng ma túy, chất kích thích khi lái xe.

Không chỉ là nỗi ám ảnh cho người dân mà thực trạng giao thông hiện nay còn là điều khiếp sợ đối với du khách nước ngoài. Đa số họ đều có chung ý kiến rằng ý thức tham gia giao thông của chúng ta chưa cao, lái xe chạy rất ẩu và thiếu kiên nhẫn, người dân lưu thông theo phương pháp “lấp chỗ trống”, chỗ nào đi được thì cứ chen vào, bất kể đó là nơi dành cho người đi bộ.

Chỉ vì thiếu ý thức khi tham gia giao thông mà nhiều gia đình, nhiều đứa trẻ phải mồ côi cha mẹ. Các thương tật do tai nạn giao thông để lại nỗi đau dai dẳng cho bao gia đình. Rõ ràng hệ lụy của tai nạn giao thông là rất lớn, không thể cân đong, đo đếm được, không gì có thể bù đắp được và gây thiệt hại cho xã hội. Cuộc sống ngày càng phát triển, cuộc sống được nâng cao, nhiều gia đình mua sắm các phương tiện giao thông cũng càng nhiều. Trong khi đó hạ tầng giao thông đang “chạy đua” để phục vụ cho nhu cầu đi lại cho mọi người và kéo giảm tai nạn giao thông chính là vấn đề mà chúng ta cần phải khắc phục.

Thường xuyên vận động tuyên truyền cho mọi người về Luật Giao thông và ý thức tham gia giao thông bằng các hình thức như tổ chức các chương trình về tìm hiểu an toàn giao thông, các cuộc thi về văn hóa ứng xử. Các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát để xử lý các vi phạm của người tham gia giao thông, có biện pháp nhắc nhở xử lý thật nghiêm đối với những người vi phạm. Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ cần tổ chức việc giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường giúp các em có những hành vi văn minh, nhận thức đúng, ý thức đúng ngay từ nhỏ. Mỗi người lớn sẽ là một tấm gương để cho trẻ nhỏ noi gương học tập và tự giác tuân thủ Luật Giao thông. Thực hiện văn hóa khi tham gia giao thông không phải là điều lớn lao mà nó bắt đầu từ những cái nhỏ nhất như chấp hành đúng Luật Giao thông, đội mũ bảo hiểm để bảo vệ chính mình, không chạy quá tốc độ quy định, không vượt đèn đỏ, không đi ngược chiều, lạng lách, đánh võng, đi đúng phần đường, làn đường, tuyệt đối không uống rượu bia khi tham gia giao thông...

Vì vậy mọi người cần nâng cao ý thức chấp hành và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông chính là bảo vệ mình, cộng đồng và xã hội.

NHƯ NGUYỄN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bắt đối tượng tàng trữ hơn 50 tép ma túy đá
BTO - Ngày 14/2/2022, Đồn Biên phòng Mũi Né (Bộ đội Biên phòng tỉnh) phát hiện và bắt quả tang 1 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.
Nổi bật
Đoàn lãnh đạo tỉnh thăm cựu chiến binh, gia đình chiến sĩ, dân công tham gia Chiến dịch Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2024), chiều nay (2/5), Đoàn lãnh đạo tỉnh do đồng chí Võ Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dẫn đầu đã đi thăm cựu chiến binh, gia đình thân nhân chiến sĩ, dân công hỏa tuyến từng tham gia Chiến dịch Điện Biên, đang sinh sống tại thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng văn hóa giao thông: Nhìn ở góc độ chấp hành luật