Theo dõi trên

Xem xét ban hành các cơ chế đặc thù, thí điểm đối với một số dự án cụ thể

04/11/2024, 14:13

BTO-Sáng nay 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Nhiều kết quả đáng khích lệ

Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận bày tỏ thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch năm 2025. Theo đại biểu, trong năm qua, với bối cảnh của thế giới rất nhiều biến động phức tạp, nhiều thách thức, rủi ro; các điểm nóng, xung đột đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường… Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội; sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo điều hành; sự chia sẻ, đồng hành của doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nên kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Cụ thể như: tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt 6,8 – 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 – 6,5%) thuộc nhóm ít các nước có tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm đầu tư phát triển; Quốc phòng, an ninh được đảm bảo; công tác đối ngoại và hội nhập Quốc tế nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai chủ động, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và đây là được xem điểm sáng trong rất nhiều điểm sáng trong năm qua.

9b60716c8f9737c96e86.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu sáng nay 4/11.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, những kết quả đạt được chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế của đất nước và chưa đáp ứng được mong mỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Thống nhất với đánh giá của Chính phủ về những hạn chế, khó khăn và thách thức của nước ta trong bối cảnh hiện nay và những giải pháp trong thời gian tới; theo đại biểu, hàng năm Quốc hội đều thảo luận đánh giá về công tác lãng phí; đây là vấn đề vẫn còn tồn tại, là lực cản của sự phát triển đất nước. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp thật sự hiệu quả để giải quyết vấn đề này nhằm phát huy hết tiềm lực của xã hội, của nền kinh tế để đưa đất nước đi lên.

Xem xét ban hành cơ chế đặc thù đối với một số dự án

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng phòng, chống lãng phí. Người căn dặn: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”; Người chỉ rõ “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”. Đại biểu đề cập vấn đề lãng phí ở đây là lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực của đất nước trong các “dự án trùm mền”, “công trình đắp chiếu” hiện nay trên phạm vi cả nước. “Có thể đến nay chúng ta chưa có số liệu thống kê thật sự đầy đủ, chính xác về sự lãng phí trên; nhưng theo tôi nghĩ con số này không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng, đó là con số về mặt tài chính, còn những lãng phí, hệ luỵ xoay quanh nó như: lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước... thì không đo đếm hết và trên hết đó là lãng phí niềm tin của nhân dân. Các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành, hay hàng nghìn, trăm nghìn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống hay các công trình, dự án xây dựng hàng chục năm chưa xong…” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông chỉ rõ.

Nguyên nhân thì có rất nhiều; nguyên nhân từ phía nhà đầu tư, doanh nghiệp, nguyên nhân từ các cơ quan nhà nước. Nhưng theo đại biểu: “Dù nguyên nhân gì đi chăng nữa thì chúng ta phải xác định đây là của cải, nguồn lực của xã hội, của đất nước để sớm có giải pháp tháo gỡ. Việc Quốc hội, Chính phủ xem xét đưa ra các cơ chế chính sách tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống đó là đồng hành, là kiến tạo cho sự phát triển vì một đất nước Việt Nam hùng cường chứ không phải là hợp thức hoá các sai phạm”.

Cũng theo đại biểu, ngay trong kỳ họp lần này Chính phủ trình rất nhiều nội dung, nhiều dự án Luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư hay xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa…. Thể hiện tinh thần kiến tạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay ví dụ như: các dự án qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, bản án, các dự án chậm triển khai do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ… để đề xuất tháo gỡ.

“Có thể ban hành các cơ chế đặc thù, thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở một số địa phương cụ thể để triển khai đánh giá và nhân rộng, nhằm phát huy nguồn lực xã hội phát triển đất nước như bài viết mới đây của đồng chí Tổng Bí thư – Tô Lâm có nêu “Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề xuất.

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
BTO-Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều nay 29/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Thảo luận về dự thảo Luật này, các ĐBQH tỉnh Bình Thuận bày tỏ đồng tình và nhất trí với các nội dung trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách; đồng thời tham gia ý kiến cụ thể vào một số nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật.
Nổi bật
Thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội
Quốc hội khóa XV vừa họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 vào chiều 30/11. Để cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt thông tin của kỳ họp, đồng thời theo dõi hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa XV.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xem xét ban hành các cơ chế đặc thù, thí điểm đối với một số dự án cụ thể