Theo dõi trên

“Xôn xao” chuyện đánh vần tiếng Việt

31/08/2018, 08:01 - Lượt đọc: 162

BT- Vừa qua, một số phụ huynh và giáo viên trung học có hỏi chúng tôi về chuyện có bộ sách lớp 1 hướng dẫn về cách đánh vần tiếng Việt mới, sao thấy dư luận xôn xao phức tạp quá. 

                
   Ảnh minh họa - N.Lân

Bộ sách thể nghiệm

Thật ra, đây bộ sách Công nghệ Giáo dục – Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại, viết từ năm 1986, sau đó đưa vào triển khai thí điểm ở nhiều tỉnh, thành phố, chứ không phải mới. Trong đó có sự thay đổi về cách phát âm chữ cái (a, b, c, d, đ,… cũng như những nguyên âm ghép) và đánh vần ở một số chữ. Theo cách phát âm truyền thống thì các chữ cái như b đọc “bê”, c: “xê”, d: “dê”, đ: “đê”, g: “rê”, h: “hát”, k: “ca”, q: “cu”,… thì bộ sách này có lập bảng hướng dẫn cách đọc: b đọc “bờ”, c: “cờ”, d: “dờ”, đ: “đờ”, g: “gờ”, h: “hờ”, k: “cờ”,… nhằm tiếp cận với cách phát âm chữ La tinh theo chuẩn quốc tế. Hơn nữa, theo chương trình này, đây là cách dạy có tính chuyên sâu về ngữ âm học, ngay từ lớp 1 đã dạy cho các cháu tiếp nhận về các khái niệm ngôn ngữ học như âm tiết, tiếng, âm đầu, âm cuối, thanh vần,… quả là một vấn đề không đơn giản.

Tuy nhiên, có một điều rất dễ nhận thấy ở số chữ phát âm gây tranh cãi nhiều nhất như “c”, “k”, “q” đều đọc là “cờ”. Bởi từ lớp 1 phát âm như vậy, các em dễ nhầm lẫn khi viết các từ “quốc kỳ”, “quốc ca”, “cày cuốc”, “con cá”, “kỳ cọ”, “kênh kiệu”, “quang cảnh”, “quanh co”,… Và các chữ cái nguyên âm ghép như “ia”, “iê”, “ya”, “yê” đều đọc là “ia”; chữ “uô”, “ua” đọc là “ua”; chữ “ươ”, “ưa” đọc là “ươ”, … điều đó cũng dễ nhầm lẫn khi các em viết những từ như “thia lia” hay là “thiê liê”, “thyê lyê”, “thiên nhiên” hay là “thian nhian”; “thua cuộc” hay là “thuô cuạc”; “thương trường” hay là “thưang trưàng”,… Chúng tôi nêu ví dụ như thế không phải để đẩy vấn đề lên, nhưng trong thực tế, thường các em phát âm như thế nào thì viết theo thế ấy. Hơn nữa, những chữ cái ghép phát âm như vậy thật ra không quen thuộc với cách học trong nhà trường Việt Nam. Trong bảng hướng dẫn phát âm được nêu đầy đủ, chúng tôi chỉ đơn cử một số chữ gây tranh luận mà thôi. 

Đừng nên nhắm mắt nói theo

Nhưng trong quá trình theo dõi, chúng tôi thấy có một số giáo viên tỏ ra mình là người có “quan điểm” luôn nghiêm túc thực hiện theo cấp trên, nói rằng “sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục đã được triển khai 3 năm. Lúc triển khai, nhiều giáo viên, phụ huynh “kêu như vạc” nhưng vẫn phải thực hiện theo sự lựa chọn của ngành giáo dục tỉnh.”(1). Sao không lắng nghe phản ứng của giáo viên và phụ huynh để điều chỉnh mà cứ nhắm mắt làm theo! Một người khác nói “sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, học sinh được học luật chính tả, viết đúng hơn kiểu truyền thống. Nếu như  cách học cũ học sinh lớp 3 vẫn sai nhiều thì theo chương trình này, các em viết đúng ngay từ đầu. Cách học của cuốn sách này phù hợp vùng nông thôn và vùng cao, tránh tái mù chữ.”(2). Có thật vậy không với cách phát âm và viết như vậy là “đúng hơn kiểu truyền thống” về chính tả, “tránh tái mù chữ”. Nói rằng “sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, học sinh được học luật chính tả, viết đúng hơn kiểu truyền thống”, vậy từ xưa đến nay học tiếng Việt theo kiểu truyền thống không được “học luật chính tả”?! Sao lại có cách lập luận đến mức thơ ngây như thế để bảo vệ một vấn đề chưa được chuẩn khi đưa vào thực tế áp dụng.

Thể nghiệm chứ không phải đại trà

Chúng tôi rất trân trọng công trình khoa học của GS Hồ Ngọc Đại – vị giáo sư uy tín, vô cùng đáng kính, đầy tâm huyết, có quan điểm tích cực cải cách mong cho giáo dục nước nhà đột phá vươn lên, nhưng đây vẫn là chương trình thể nghiệm, chưa có đánh giá tổng kết. Nên có những vấn đề khi vận dụng vào thực tế thấy chưa hoặc không phù hợp thì cần phản biện, để đem lại những gì thiết thực sát hợp nhất cho việc dạy và học. Đừng giống như việc triển khai hướng dẫn học sinh viết chữ “không râu” trước đây làm hệ lụy cho cả một thế hệ học sinh trên toàn quốc mà cuối cùng không ai nhận trách nhiệm. Chúng tôi được biết, hiện nay nhiều tỉnh đã dừng việc thực hiện dạy thể nghiệm bộ sách Công nghệ Giáo dục – Tiếng Việt 1, vì thấy chưa phù hợp với năng lực giảng dạy của giáo viên và trình độ tiếp nhận của học sinh ở địa phương mình.

Võ Nguyên

(1). (2). Nguồn: https://news.zing.vn › Giáo dục



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Xôn xao” chuyện đánh vần tiếng Việt