Quản lý không xuể
Không chỉ sông, suối, rừng, núi, đồi... do Nhà nước quản lý bị “xẻ thịt” do khai thác khoáng sản trái phép, thì đất sản xuất của dân cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Nguồn gốc của vấn nạn này nghe có vẻ bình thường, nhưng đó là cả một vấn đề lớn, nhức nhối không chỉ ở Bình Thuận mà còn cả nước trong thời gian qua. Bởi nhu cầu khoáng sản cho xây dựng quá lớn, lợi nhuận cao nên người ta bất chấp quy định pháp luật, tìm cách khai thác. Nơi xảy ra trải đều trên địa bàn tỉnh, nhất là các khu vực giáp ranh giữa các xã trong huyện, giữa các huyện trong tỉnh và các địa bàn giáp ranh với các tỉnh lân cận.
Ngành chức năng gồm Tổ Liên ngành từ tỉnh, huyện cho đến xã, thị trấn đã ra sức kiểm tra, giám sát, thậm chí mật phục… bắt đối tượng nhưng vẫn cảm thấy như muối bỏ biển, không đi đến đâu. Chia sẻ những khó khăn trong quản lý khoáng sản trên địa bàn, ông Ung Thanh Khải, Chủ tịch UBND xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc) cho biết: “Ngay từ đầu năm thực hiện chỉ thị của UBND huyện, UBND xã thành lập Tổ tuần tra, giám sát xử lý khoáng sản trái phép do Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng. Tổ phân ra làm 4 nhóm, luân phiên nhau trực chốt 24/24 tại địa bàn điểm nóng khai thác cát trái phép. Sau khi thấy tình hình không còn phức tạp, Tổ tuần tra giảm thời lượng trực để lo công việc chuyên môn. Nhưng chỉ được một thời gian, tình hình lại phức tạp trở lại nên tiếp tục tuần tra kết hợp mật phục bắt giữ…”.
Ông Lê Thanh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) thì băn khoăn, chưa biết xử lý sao cho dứt điểm vấn nạn khoáng sản trái phép, vì các thành viên trong Tổ tuần tra, giám sát đều làm kiêm nhiệm. Bắt đối tượng khai thác trái phép không dễ, phải “nằm vùng” bắt quả tang mới xử lý được. Đối tượng này rất mánh khóe, phù phép khoáng sản không có nguồn gốc thành có nguồn gốc hợp pháp khi đã vận chuyển ra khỏi địa bàn khai thác. “Có thời điểm lợi dụng đường cao tốc họ lấy đất dôi dư khi làm đường, kết hợp khai thác trái phép, nhất là ở khu vực 1.200 ha thuộc thôn 2. Chúng tôi phát hiện đã kiến nghị với Ban Quản lý dự án 7 – Bộ Giao thông Vận tải dán logo trên xe vận tải làm đường cao tốc của Ban, để dễ phân biệt…”, ông Cường cho biết.
Đề xuất xử lý chủ đất
Nhiều địa phương cho rằng, xử lý khai thác khoáng sản trái phép theo cách kiểm tra giấy tờ của chủ phương tiện đang vận chuyển khoáng sản trên đường, thì không hiệu quả bằng theo dõi phương tiện đó lấy khoáng sản từ đâu. Nếu lấy từ trong đất sản xuất của hộ dân thì xử lý hành chính luôn cả chủ đất. “Không cần bắt xe đang vận chuyển trên đường, cứ theo dõi bắt quả tang xử lý ngay và luôn cả chủ đất. Chỉ có như vậy mới mong giảm được vấn nạn”, Phòng Tài nguyên - Môi trường La Gi cho biết.
Với UBND xã Hàm Liêm kiến nghị thu hồi đất nếu chủ đất vi phạm. Đây cũng là cách quản lý khoáng sản mà nhiều tỉnh khác đã làm. Điển hình, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, "Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đây là hành vi hủy hoại đất, do đó yêu cầu địa phương áp dụng các quy định của Chính phủ thu hồi đất của người vi phạm. Đối với những trường hợp gửi giấy mời hợp lệ đến lần thứ hai mà người vi phạm né tránh, không đến thì UBND huyện vẫn quyết định thu hồi đất và ra thông báo việc thu hồi đất", Cổng thông tin điện tử Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết trong bài “Thu hồi đất nếu phát hiện khai thác khoáng sản trái phép”.