Nhu cầu cao
Theo kế hoạch sản xuất lúa năm 2021, cả nước gieo trồng trên 7 triệu ha, với tổng sản lượng khoảng 43,4 triệu tấn lúa, tương đương 26 triệu tấn gạo. Trong đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước gần 30 triệu tấn lúa, gồm tiêu thụ của người dân, phục vụ chế biến, chăn nuôi, làm giống và dự trữ. Riêng xuất khẩu, sau những tháng đầu năm trầm lắng, từ tháng 4, xuất khẩu gạo bật tăng trở lại trong bối cảnh nguồn cung lúa gạo gia tăng do thu hoạch vụ lúa đông xuân. Đặc biệt, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục tăng, do nhu cầu thị trường thế giới vẫn ở mức cao, nhất là các thị trường lớn như Philippines, Trung Quốc, Malaysia đều tăng mạnh.
Với người trồng lúa Bình Thuận, đây được coi là một cơ hội khá lớn. Trong khi các loại nông sản khác đang gặp rất nhiều khó khăn về tiêu thụ, thì người trồng lúa đang có một vụ thu hoạch đạt năng suất khá cao và được giá (giá lúa vụ đông xuân khoảng 5.800 – 6.800 đồng/kg tùy giống). Đơn cử tại huyện Tuy Phong, sản xuất lúa vụ mùa muộn năm 2020 có năng suất đạt cao, bình quân 7,8 tấn/ha, nên nông dân rất phấn khởi. Hiện nay, địa phương đang tổ chức sản xuất vụ hè thu với diện tích gieo trồng 2.200 ha, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và khoảng nửa tháng nữa sẽ cho thu hoạch.
Thu hoạch lúa tại Bình Thuận. Ảnh Đình Hòa
Còn tại huyện Tánh Linh, đến nay huyện đã hoàn thành thu hoạch vụ đông xuân với diện tích cây lúa 8.000 ha, năng suất bình quân đạt 75,1 tạ/ha, sản lượng trên 60.000 tấn. Đáng nhắc đến, hiện nay trước nhu cầu tiêu dùng các loại gạo chất lượng cao, nên ở vụ hè thu này, nhiều nông dân đã dần chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ, được người tiêu dùng nội địa ưa chuộng, dù giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Thích nghi để trụ vững
Mặc dù dự báo thị trường xuất khẩu gạo của cả nước trong thời gian tới có “điểm sáng” hơn so nhiều loại nông sản khác, tuy nhiên, chắc chắn tác động của dịch Covid-19 sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lúa gạo. Đó là việc Việt Nam và các nước đồng loạt áp dụng các biện pháp phong tỏa, ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Điều này dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng… Mặt khác, nhu cầu thị trường chắc chắn sẽ suy giảm và thói quen tiêu dùng có những thay đổi nhất định.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lâu nay trong sản xuất, chế biến lúa gạo ở Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn thiếu tính bền vững, chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán… Chỉ tính trong nửa đầu năm 2021, mặc dù thời tiết và nguồn nước tương đối thuận lợi cho sản xuất vụ đông xuân, tuy nhiên tại một số khu vực phía nam tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài, gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp nên phải điều chỉnh cắt giảm gần 300 ha lúa ở Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi.
Chính vì vậy, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết và triển khai sản xuất vụ hè thu 2021 hiệu quả, một số khu vực chủ động được nguồn nước mới tiến hành xuống giống, diện tích còn lại đợi có mưa bảo đảm mới xuống giống. Tính đến đầu tháng 7/2021, toàn tỉnh đã xuống giống được gần 42.500 ha lúa hè thu, chủ yếu đang ở giai đoạn đòng- trổ, một số diện tích đang chín và cho thu hoạch.
Trong bối cảnh chung của đại dịch Covid-19, dù gặp không ít khó khăn, nhưng với dự báo xuất khẩu gạo tăng, người trồng lúa Bình Thuận hy vọng sẽ trụ vững trước đại dịch.
Trong năm 2021, tỉnh phấn đấu đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu 797.454 tấn lương thực, đẩy mạnh xã hội hóa giống lúa, tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và xử lý kịp thời sâu bệnh trên cây trồng. Mặt khác, sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. |
Kiều Hằng