Theo dõi trên

Xuất khẩu hàng hóa trong đại dịch Covid-19

18/11/2021, 08:44

BT- Tiếp nối kết quả đã đạt được của năm 2020, những tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô của tỉnh Bình Thuận tiếp tục ổn định và bắt đầu khởi sắc. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021, với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là 2 địa phương trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội là TP. Phan Thiết và thị xã La Gi, đã ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Hải Nam. Ảnh: Đ.Hòa

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Thuận trong 10 tháng năm 2021 vẫn tăng so cùng kỳ, theo đó xuất khẩu ước đạt 472,46 triệu USD, tăng 24,02% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó nhóm hàng thủy sản ước đạt 131,95 triệu USD, tăng 0,67%, nhóm hàng nông sản ước đạt 16,01 triệu USD, tăng 40,88%, nhóm hàng hóa khác ước đạt 324,5 triệu USD, tăng 36,04%. Xuất khẩu hàng hóa chủ yếu sang thị trường châu Á ước đạt 292,03 triệu USD, tăng 19,96%, xuất sang thị trường châu Âu đạt 54,76 triệu USD, tăng 7,86%, xuất sang thị trường châu Mỹ đạt 116,3 triệu USD, tăng 74,24%.

Để đạt được kết quả trên, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã quyết liệt thực hiện các giải pháp như: định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư máy, móc thiết bị sản xuất… Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về thị trường, nhu cầu mặt hàng xuất khẩu sang thị trường các nước, thông tin quy định về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử đến với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Kết quả này cũng phải ghi nhận từ sự nỗ lực của các ngành, địa phương và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong xuất khẩu hàng hóa trước đại dịch Covid-19. Bởi lẽ, dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, có tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng, kể cả vật tư, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra cho thị trường. Tuy nhiên, chúng ta đều thấy các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Sở Công Thương đã rất nỗ lực trong việc đưa ra những giải pháp, phối hợp với địa phương để thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa, tìm đầu ra cho hàng hóa khó tiêu thụ. Cụ thể, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu thanh long Bình Thuận sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi, tránh ùn ứ phương tiện và hàng hóa xuất khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân, Sở đã có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp, triển khai thực hiện công tác xuất khẩu thanh long Bình Thuận.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, đơn vị liên quan đã thông báo các quy định về xuất khẩu thanh long qua cửa khẩu Lạng Sơn đến các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc được biết để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đối với hoạt động xuất khẩu, ngay trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát với không ít khó khăn, nhưng đã có rất nhiều sáng kiến được triển khai để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu thanh long ra thị trường thế giới. Phải khẳng định rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 với rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp của tỉnh rất khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa hoặc đứt đoạn nguồn cung ứng đầu vào thì mọi nỗ lực để có thể kết nối lại các chuỗi cung ứng đều góp phần vào tạo công ăn việc làm, góp phần vào tăng trưởng GDP và tạo ra nguồn thu ngân sách. Chính nhờ những nỗ lực này đã thúc đẩy hội nhập kinh tế và ngành công thương đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng. Một yếu tố quan trọng mang tính quyết định khác trong việc mở cửa thị trường, thích ứng an toàn với dịch bệnh là phải bảo đảm lưu thông hàng hóa, vì đó là huyết mạch của nền kinh tế.

Ngoài ra, các ngành hàng sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao vẫn đảm bảo hoạt động cũng góp phần giúp tỉnh nhà duy trì tăng trưởng xuất khẩu và đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là việc làm, thu nhập cho công nhân lao động. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh còn thực hiện những biện pháp sản xuất, kinh doanh uyển chuyển và phù hợp với tình hình.

Để tạo tiền đề cho xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2021 và những năm tiếp theo, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển thị trường của doanh nghiệp cho từng sản phẩm vào các thị trường, đảm bảo phát huy lợi thế và thực thi hiệu quả cam kết EVFTA. Tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hình thành đại diện của doanh nghiệp, hiệp hội ở các thị trường lớn ở khu vực EU. Đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu phân khúc thị trường, xác định thị trường trọng điểm và tiềm năng. Tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác thị trường và xúc tiến thương mại, quảng cáo trên website, gửi thư tín điện tử… để nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu….

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu hàng hóa trong đại dịch Covid-19