Theo dõi trên

Xuất khẩu thanh long Bình Thuận: “Cửa” vào thị trường Trung Quốc ngày càng hẹp

09/09/2021, 09:45

BT- Với sản lượng thu hoạch hàng năm trên 650.000 tấn trái, thanh long Bình Thuận chủ yếu phục vụ xuất khẩu với tỷ lệ chiếm khoảng 80 - 85%. Song thực tế cho thấy, sản phẩm lợi thế của tỉnh hầu như phụ thuộc thị trường Trung Quốc, mà “cửa” vào  ngày càng hẹp.

Người dân thu hoạch thanh long (ảnh tư liệu). Ảnh: Đ. Hòa

Trước giờ, Trung Quốc luôn được xem là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Bình Thuận nói riêng và của cả Việt Nam. Điều này không cần phải bàn cãi, bởi thanh long Bình Thuận xuất sang thị trường đông dân nhất thế giới lên tới hơn 500.000 tấn/năm. Nhưng đáng nói ở đây, doanh nghiệp địa phương chủ yếu tham gia xuất khẩu tiểu ngạch và buôn bán biên mậu qua các cửa khẩu đường bộ phía Bắc... Phương thức này có một số thuận lợi: Thủ tục đơn giản, thanh toán dễ dàng, thuế suất thấp hơn chính ngạch nên được nhiều thương lái và doanh nghiệp nhỏ ưa chuộng, đẩy mạnh giao dịch. Dẫu vậy đây là phương thức bán hàng phụ thuộc vào bên mua, thế nên giá cả thường xuyên biến động, tiềm ẩn rủi ro và gây ra không ít tác động tiêu cực. Nhất là mỗi khi thị trường Trung Quốc có sự thay đổi về chính sách, thời điểm vào mùa thu hoạch nhiều loại trái cây hoặc ách tắc do thiên tai, dịch bệnh…

Gần đây, hoạt động xuất khẩu thanh long Bình Thuận sang thị trường Trung Quốc thêm phần trở ngại do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, nên công tác phòng chống dịch tại cửa khẩu được tăng cường. Hiện phía Trung Quốc còn triển khai các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác và kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản (bao gồm trái thanh long tươi)... Gần đây, lượng thanh long vận chuyển lên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để xuất sang thị trường Trung Quốc cũng ngày càng tăng. Trong khi địa phương này hiện chỉ duy trì hoạt động 4/12 cửa khẩu với Trung Quốc, gồm: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, Cửa khẩu chính Chi Ma và Cửa khẩu phụ Tân Thanh. Việc phương tiện và hàng hóa xuất khẩu ùn ứ, chậm thông quan tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người trồng thanh long.

Một trở ngại nữa là thời điểm thu hoạch chính vụ của thanh long Bình Thuận (từ tháng 3 - 9) lại trùng mùa vụ của các loại trái cây khác bên Trung Quốc như cam, quýt, táo, lê, nho... Chính vì vậy cùng thời gian, thanh long Bình Thuận vừa cạnh tranh với cả thanh long lẫn các loại trái cây của Trung Quốc, dẫn đến tiêu thụ thường chậm và giá cả có xu hướng giảm. Dự báo trong tương lai, việc tiêu thụ sản phẩm lợi thế địa phương sẽ còn khó khăn hơn khi diện tích thanh long trồng mới của Trung Quốc tiếp tục cho thu hoạch.

Có nhận định cho rằng, thanh long Việt Nam (trong đó phần nhiều là thanh long Bình Thuận) chiếm thị phần lớn trên thị trường Trung Quốc, nhưng những năm gần đây vị thế này dần suy yếu. Dẫn chứng: Sau nhiều năm phát triển, Trung Quốc mở rộng đáng kể diện tích trồng thanh long và hiện đã ngang bằng với Việt Nam. Mặt khác, nông dân trồng thanh long Trung Quốc đang tập trung cải tiến công nghệ, đem lại chất lượng (về hương vị, độ chín, độ tươi) và giá cả rất cạnh tranh cho sản phẩm ngay tại thị trường nội địa...

Từ thực trạng nêu trên, việc định hướng phát triển và tiêu thụ thanh long Bình Thuận hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế là rất cần thiết, đặc biệt không phụ thuộc vào một thị trường. Được biết mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long Bình Thuận trong và ngoài nước giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó có đề ra mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường các nước, tăng cường xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở thêm các thị trường mới, tiềm năng nhằm tiêu thụ sản phẩm... Riêng với Trung Quốc, địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thanh long sang thị trường này bằng đường biển và đường sắt. Qua đó cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố phía đông như Thượng Hải, Thiên Tân, Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Chiết Giang, Hồ Bắc… và những tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc để giảm bớt lượng thanh long xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ.

QUỐC TÍN



(1) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu thanh long Bình Thuận: “Cửa” vào thị trường Trung Quốc ngày càng hẹp