Năm nay, đơn vị này đã tổ chức thành công “Hội nghị tổng kết 25 năm thành lập và phát triển các KCN, gắn với công tác xúc tiến đầu tư” và “Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác phát triển các KCN giữa Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh với Ban Quản lý các KCN Bình Thuận gắn với công tác xúc tiến đầu tư vào các KCN Bình Thuận và Ninh Thuận”. Thông qua sự hỗ trợ từ Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao), Ban Quản lý các KCN Bình Thuận còn gửi thư ngỏ đến 45 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài nhằm giới thiệu thông tin, kết nối nhà đầu tư nghiên cứu đưa dự án về triển khai tại địa phương. Mặt khác cũng thường xuyên trao đổi, phối hợp các tổ chức có chức năng xúc tiến đầu tư trong lẫn ngoài nước để tăng cường quảng bá tiềm năng, kêu gọi thu hút đầu tư vào các KCN Bình Thuận.
Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho biết năm nay cũng có nhiều lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KCN của tỉnh. Đồng thời ghi nhận 5 nhà đầu tư quyết định triển khai dự án tại các KCN Bình Thuận (gồm 3 dự án vốn đầu tư trong nước, 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 1.145 tỷ đồng và 100 triệu USD, tăng 2,3 lần so năm 2023. Đặc biệt trong đó có một số dự án quy mô khá lớn như Nhà máy công nghiệp Neotek Việt Nam của Công ty NeoSCM Limited có vốn đăng ký đầu hơn 2.200 tỷ đồng (tương đương 88 triệu USD) tại KCN Hàm Kiệm II. Đây là nhà máy sản xuất đĩa phanh xe cơ giới các loại với quy mô công suất khoảng 120.000 tấn sản phẩm/năm, dự kiến sớm đầu tư xây dựng và hoàn thành đi vào sản xuất - kinh doanh vào đầu năm 2027. Hay như dự án Nhà máy sản xuất văn phòng phẩm Shiny Circle Việt Nam của Công ty Shiny Circle Limited triển khai tại KCN Hàm Kiệm I có vốn đăng ký là 12 triệu USD, sau khi đi vào hoạt động sẽ hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu và châu Mỹ… Như vậy tính đến cuối năm 2024, các KCN Bình Thuận thu hút được 89 dự án đầu tư thứ cấp (bao gồm 63 dự án trong nước, 26 dự án đầu tư nước ngoài), có tổng vốn đăng ký hơn 16.823 tỷ đồng và gần 295 triệu USD.
Cùng thời gian, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cũng quan tâm phối hợp các sở ngành, địa phương liên quan tập trung giải quyết vướng mắc, qua đó tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng KCN. Nhờ vậy trong năm có thêm KCN Tân Đức được khởi công xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng các KCN đã và đang đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh lên 6/9 KCN. Ngoài ra, đơn vị còn tích cực đôn đốc doanh nghiệp thứ cấp xúc tiến đầu tư hoàn thành, đưa một số dự án xây dựng mới hoặc dự án mở rộng quy mô sản xuất đi vào hoạt động. Như các dự án của Công ty TNHH Chế biến thủy hải sản Trans Pacific, Công ty TNHH Sheh Fung Screws Việt Nam, Công ty TNHH Hải Triều, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Lưới Việt Bình Thuận…
Trong tổng số 89 dự án đầu tư thứ cấp còn hiệu lực, hiện có 65 dự án đã đi vào hoạt động, cụ thể gồm 44 dự án trong nước và 21 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Nhìn chung tình hình sản - xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại các KCN Bình Thuận trong năm 2024 cơ bản duy trì ổn định với kết quả: Doanh thu đạt khoảng 9.450 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 250 triệu USD và nộp ngân sách 255 tỷ đồng… Bước sang năm 2025, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực trong xúc tiến đầu tư, mời gọi thu hút thêm các dự án thứ cấp vào KCN. Đồng thời đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, đáp ứng điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đi vào hoạt động tại các KCN.