Theo dõi trên

Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

01/03/2024, 05:27

Lực lượng Bộ đội Biên phòng là thành phần trong Quân đội nhân dân Việt Nam, được Đảng và Bác Hồ kính yêu quyết định thành lập ngày 3/3/1959. Đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tròn 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 20/7/1954 Hiệp định Giơnevơ được ký kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Mỹ là nước trực tiếp giúp Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và là thành viên của Hội nghị Giơnevơ nhưng lại trắng trợn tuyên bố: “Mỹ không bị nội dung Hiệp định này ràng buộc”; từ đó, Mỹ ráo riết hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương để thống trị miền Nam nước ta bằng chủ nghĩa thực dân mới; sử dụng bọn tay sai phản động trong nước nổi phỉ, xưng vua, gây bạo loạn ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, cưỡng ép đồng bào công giáo ở phía Bắc di cư vào Nam; cài cắm gián điệp, biệt kích ra miền Bắc; thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á và trên thế giới, uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ: "Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính, kẻ thù trực tiếp của nhân dân Việt - Miên - Lào, đồng thời chủ trương tập trung chống Mỹ cứu nước. Do đó, ngay sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định thành lập 3 lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đất liền, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu quan trọng ở nội địa gồm Công an Biên phòng, Cảnh sát Vũ trang thuộc Bộ Công an và Bộ đội Bảo vệ thuộc Bộ Quốc phòng. Đồng thời để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, cần có một lực lượng vũ trang thống nhất, chuyên trách, vững mạnh về chính trị, chặt chẽ về tổ chức; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; hiểu biết sâu về pháp luật, có năng lực quản lý, bảo vệ biên giới, giới tuyến, nội địa bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu và khả năng chiến đấu vũ trang giỏi. Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”. Đây là nghị quyết đặc biệt, đầu tiên của Đảng về công tác biên phòng, nội địa và giới tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng vũ trang chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa. Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng có nhiệm vụ: “Trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, luôn luôn sẵn sàng, chiến đấu để bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng”. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng đang công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an". Từ đó, ngày 3/3/1959 chính thức trở thành ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) ngày nay.

bien-phong-1.jpeg
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh tuần tra bảo vệ vùng biển.

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP liên tục có sự phát triển về biên chế, tổ chức và nhiệm vụ, gắn liền với quá trình vận động, phát triển của tình hình, nhiệm vụ cách mạng của đất nước, được cụ thể hóa bằng các nghị quyết của Đảng và các quyết định của Chính phủ. Trong đó, có 4 nghị quyết đánh dấu sự ra đời, thay đổi tổ chức của BĐBP gồm: Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 19/11/1958 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”, đánh dấu sự ra đời lực lượng CANDVT, nay là BĐBP; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/10/1979 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (khóa IV) “Về việc chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng CANDVT sang Bộ Quốc phòng thành lực lượng BĐBP”; Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 30/11/1987 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) “Về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn TTATXH trong tình hình mới”. Nghị quyết chỉ rõ “Chuyển giao lực lượng BĐBP cho Bộ Nội vụ (Bộ Công an hiện nay) trực tiếp quản lý”; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8/8/1995 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) “Về xây dựng BĐBP trong tình hình mới”, nghị quyết xác định chuyển lực lượng BĐBP từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng và 01 nghị quyết bảo vệ biên giới quốc gia, đó là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”. Từng cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn nhận thức sâu sắc vai trò tham mưu chủ trì, nòng cốt, chuyên trách của mình trong sự nghiệp xây dựng nền biên phòng toàn dân; ngày đêm lăn lộn xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, kiên trì bám dân, bám địa bàn, gắn bó với đồng bào các dân tộc. Các đơn vị BĐBP đã tích cực, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh ở vùng biên giới; cùng với các bộ, ban, ngành tham mưu thúc đẩy việc thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân phát triển sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân cả nước. 65 năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã một lòng, một dạ vì dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân trong chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; tích cực tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khắc phục có hiệu quả những thiệt hại do thiên tai, ổn định đời sống nhân dân.

65 năm qua, hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng đã in đậm trong lòng nhân dân cả nước. “Đến dân quý, ở dân thương, đi dân nhớ” đó là những tình cảm mà nhân dân dành cho BĐBP, tạo nên sức mạnh to lớn, giúp BĐBP hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã lập nên nhiều chiến công và thành tích vẻ vang được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận. Hai lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; được đón nhận Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác, đã khẳng định sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những cống hiến, hy sinh của BĐBP... góp phần tô thắm truyền thống anh hùng của BĐBP, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

B.B.T


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình Thạnh: Tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân
Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2024) và 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2024), sáng ngày 29/2, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Liên Hương tổ chức “Ngày hội Biên phòng toàn dân” năm 2024.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ