Ảnh: Đình Hòa |
Ngư dân hối hả chuyển cá từ thuyền lên bờ, chuẩn bị cho chuyến cập bến đầu năm. Ảnh: Đình Hòa |
Những ngày cuối năm, dọc hai bờ sông Cà Ty chạy dài đến cảng Phan Thiết, bên cạnh những ngư dân từ hàng trăm chiếc tàu bước vội lên bờ để kịp về nhà đón tết cùng gia đình, thì ngược lại có ngư dân lặng lẽ vận chuyển thực phẩm xuống thuyền, chuẩn bị cho chuyến đánh bắt xuyên tết.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp tàu cá của anh Bùi Thanh Thới ở Phan Rí Cửa, Tuy Phong cùng 6 lao động sẽ đón tết trên biển. Kể về những chuyến biển “qua năm”, anh Thới cười vang: “Tết, tàu thuyền ít nên dễ đánh bắt. Những chuyến biển cuối năm, chủ ghe tranh thủ lên bờ chuẩn bị ít thùng bia, mồi khô giao cho bạn biển để đón giao thừa, anh em ngồi lại với nhau tổ chức ăn uống, hát hò cho vui…”. Theo kinh nghiệm của ngư dân, thời gian này nhờ tối trời, biển lặng nên đánh bắt rất lý tưởng, đem lại thu nhập cao, vì vậy lao động biển chấp nhận ăn tết ngoài khơi. Theo anh Bảo - bạn thuyền của anh Thới, sở dĩ phải làm xuyên tết vì khi về bến đầu năm thì tôm cá bán rất được giá, đôi khi cao gấp đôi, gấp ba ngày thường. Ngoài ra chuyến biển này còn có ý nghĩa đặc biệt: trở về, ghe thuyền đầy cá thì cả năm sẽ thuận buồm xuôi gió, bội thu.
Còn với anh Nguyễn Văn Thành ở phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, người đã gắn bó với biển trên 30 năm nên việc đón tết trên biển với anh Thành dường như đã quen thuộc. Tàu cá có công suất hơn 300CV do anh Thành cầm tài công chắc chắn tết này cũng không ngoại lệ. Gặp tôi, anh hồ hởi: “Trước đây, thường thì ngư dân Bình Thuận rất ít xa khơi xuyên tết, cứ độ 25, 26 tháng chạp là xong chuyến biển cuối cùng, chuẩn bị thu dọn ngư cụ lên bờ để cúng tàu thuyền, ngoài khơi chủ yếu là tàu thuyền của các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Vũng Tàu… Nhưng vài năm trở lại đây, vào các ngày tết, ngày càng nhiều ghe thuyền Bình Thuận tham gia bám biển. Ăn tết trên tàu cũng có đủ trái cây, hạt dưa, bánh mứt… Thường thì trước ngày ra khơi chủ tàu tổ chức chiêu đãi, lì xì bạn biển để động viên nên anh em phấn khởi lắm”. Trong những bạn biển của tàu cá anh Thành, ấn tượng nhất là Lê Hưng, nhà ở phường Hưng Long. Hưng theo nghiệp biển từ năm 15 tuổi, những năm đầu vì còn nhỏ nên Hưng làm “em nuôi” chuyên nấu cơm, phơi cá, mực giúp người lớn. Nghề biển cứ lớn dần trong cậu trai làng biển theo năm tháng. Tết này, Hưng 22 tuổi, đã là chàng trai sạm nắng, là ngư dân thạo nghề. Thế nhưng, đằng sau vẻ rắn rỏi ấy vẫn có chút yếu đuối, khi Hưng kể về những cái tết ngoài biển: “Tết ngoài biển nhớ đất liền nhiều lắm, mà bốn bề chỉ thấy biển và sóng. Nhớ thì nhớ, nhưng mãi với công việc cũng làm nguôi ngoai, vì cuộc mưu sinh chứ ai muốn ăn tết xa nhà đâu”.
Khác với anh Thành, lão ngư 60 tuổi nhưng có hơn 40 năm bám biển Trương Minh Tới ở Văn Thánh, phường Phú Tài thì như thường lệ, bữa cơm tất niên sớm của ông với bạn biển phải kết hợp với buổi họp mặt gia đình trước khi thuyền rẽ sóng vươn khơi luôn được tổ chức “hoành tráng” ở Văn Thánh. Nhìn tôi, ông Tới tâm sự: “Cả tháng rồi thời tiết xấu đã làm gián đoạn các chuyến biển. Năm nay chắc phải xuất bến muộn, làm sao để không lỗ”. Do vật giá ngày tết tăng nên chi phí chuyến biển cuối năm thường cao hơn so với ngày thường, nhưng ngư dân vẫn chấp nhận để ra khơi. Chi phí chuyến biển cao một phần còn do chủ tàu sắm sửa thịnh soạn hơn để bạn thuyền ăn tết trên biển. Ngoài nước ngọt, rau, thịt, gạo, mắm, thuốc lá còn có cả rượu bia… “Nếu như trung bình chi phí chuyến biển ngày thường khoảng 30 triệu đồng thì tết tăng hơn 50 triệu đồng, nhưng bù lại giá cá bán cao hơn ngày thường” - ông Tới cho biết thêm.
Ra khơi ngày tết, ngư dân phải tạm gác một bên những tình cảm đời thường, chuẩn bị cho những chuyến đi biển với bao kỳ vọng, ước mong gặp nhiều thuận lợi, mở đầu cho một năm bội thu. Ngoài việc mưu sinh, những chuyến biển tết của bà con ngư dân còn có ý nghĩa thiêng liêng hơn, đó là việc khẳng định vùng biển đảo của Tổ quốc.
Thanh Bình