Dán tem chỉ dẫn địa lý cho trái thanh long Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Lân |
Giờ G đã điểm
Thông tin từ báo chí những ngày qua khiến những ai quan tâm đến xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc bỗng đầy nghi ngờ, khi có 2 luồng thông tin khác nhau. Một nguồn từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) loan tin, từ ngày 1/4/2018, doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả từ Việt Nam sang Quảng Tây, Trung Quốc cần lưu ý cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm. Thông tin bao gồm: tên sản phẩm hoa quả; nguồn gốc xuất xứ; tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để bên Trung Quốc có thể kiểm tra bất cứ lúc nào. Bởi ngay khi làm thủ tục xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam phải cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”. Vài ngày sau, cũng qua báo chí, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lại cho rằng: “Chúng tôi là cơ quan chính thống về kiểm dịch thực vật xuất khẩu chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan kiểm dịch thực vật Trung Quốc”. Đồng thời cũng thông báo thời điểm hiện tại, việc thông thương giữa các cửa khẩu của 2 nước vẫn diễn ra bình thường, cơ quan kiểm dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn triển khai công việc như trước và phía Trung Quốc chưa có bất kỳ thông tin nào về việc này.
Còn riêng doanh nghiệp Bình Thuận xuất khẩu thanh long vào Trung Quốc thì đã biết yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoa quả vào tỉnh Quảng Tây từ năm ngoái. Cụ thể, một công ty xuất nhập khẩu rau quả tại KCN Phan Thiết đã đem khoảng 100 kg thanh long tham gia triển lãm một hội chợ tại tỉnh Quảng Tây vào năm ngoái thì bị cơ quan chức năng của tỉnh này kiên quyết không cho, đòi sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc. Sau khi thuyết phục, đây chỉ là hàng triển lãm, ăn thử thì chính quyền Quảng Tây mới chịu buông nhưng số nào đã ăn thì thôi, số thanh long còn lại phải đem đi hủy. Qua hành động quyết liệt như thế cho thấy thông tin từ Bộ Công Thương với giờ G đã điểm là điều tất nhiên phải diễn ra.
Trong rủi có may
Thực tế mà ai cũng biết là thị trường của Trung Quốc là thị trường phổ thông và thanh long Bình Thuận hình thành vùng chuyên canh rộng lớn như hiện tại chắc chắn có sự tác động không nhỏ từ tính chất của thị trường ấy. Việc 70-80% thanh long buôn bán qua đường tiểu ngạch với sự dễ dãi về chất lượng, với sự rẻ mạt của giá cả vào những lúc dội hàng đã chứng minh điều đó. Chính sự phổ thông ấy khiến những doanh nghiệp xuất hàng vào thị trường ở tầm cao hơn, với những đòi hỏi tất yếu của hàng hóa xuất khẩu như có truy xuất nguồn gốc chẳng hạn, lâu nay khốn đốn vì thiếu hàng, chứ chưa nói đến thị trường khó tính, khắt khe khác. Và bây giờ, bỗng nhiên Quảng Tây, nơi được xem là thị trường chính cũng là nơi trung chuyển cho hoa quả Việt Nam, trong đó có thanh long Bình Thuận vào các tỉnh, thành phố của Trung Quốc, bắt đầu đòi hỏi tiêu chuẩn tất yếu trong xuất khẩu hàng hóa như vậy, cũng có nghĩa sắp tới thanh long vào Trung Quốc đương nhiên phải như thế. Điều này vừa là rủi nhưng cũng là may đối với thanh long Bình Thuận.
Với thực trạng của thanh long Bình Thuận, việc thích ứng chuẩn này sẽ mất rất nhiều thời gian, vì lâu nay người dân không quan tâm hoặc bỏ sản xuất VietGAP để canh tác thanh long theo ước muốn của thương lái Trung Quốc. Nhưng đồng thời, đây là yêu cầu khiến dân trồng thanh long sẽ quay lại hoặc đi theo sản xuất VietGAP. Bởi hiện giờ, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tại tỉnh cũng đã tìm đến những nhà vườn sản xuất thanh long VietGAP phối hợp cùng nhà vườn thực hiện các bước để có sản phẩm xuất đi, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là biện pháp giúp bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, được nhiều quốc gia áp dụng và hiện cũng đang được đưa vào áp dụng ở Việt Nam.
Bích Nghị