Theo dõi trên

Thực hiện Nghị định 105 - Có khó thi hành?

04/10/2017, 08:35

BT- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/11/2017, quy định về hoạt động kinh doanh rượu, trong đó có điểm khá đặc biệt là cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi. Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng khó thực thi. Trước đây Bộ Y tế cũng từng ban hành dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia với quy định cấm bán rượu bia sau 10 giờ đêm, nhưng sau đó dự thảo bị phản ứng gay gắt vì ngoài việc yếu về cơ sở pháp lý, còn không có khả năng thực thi. Nay nghị định mới ra đời, có vẻ thực tế nhưng khó áp dụng ở nước ta.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện đứng thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Thái Lan); đứng thứ 10 ở châu Á và thứ 29 trên thế giới về tỷ lệ người sử dụng rượu bia. Rượu bia không chỉ là nguyên nhân gây ra khoảng 200 loại bệnh tật, mà còn là nguyên nhân chính gây ra những vụ tai nạn giao thông. Theo thống kê của ngành chức năng, có tới 60% số vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam do sử dụng rượu bia. Nguy hiểm hơn, lạm dụng rượu bia còn dẫn tới tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an toàn xã hội. Thế nhưng, bằng giải pháp “quản không được thì cấm” thể hiện sự khiên cưỡng, yếu thế của nhà quản lý. Ngoài ra, nếu so sánh giá bán rượu bia tại Việt Nam với các nước trong khu vực, có thể dễ dàng nhận thấy giá rượu bia tại Việt Nam khá rẻ và bất kỳ ai cũng có thể tham gia mua bán rượu bia một cách dễ dàng, không bị hạn chế về số lượng và cả độ tuổi.

Theo các đơn vị dự thảo luật, sở dĩ ban hành cấm là vì sử dụng rượu, bia dễ dẫn tới tình trạng gây mất trật tự an ninh xã hội, vi phạm nếp sống văn minh nơi công cộng. Thế nhưng, với các quy định hiện nay gần như “phủ sóng” gần hết: nếu người uống rượu bia mà lái xe sẽ xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ; cửa hàng buôn bán gây mất an ninh trật tự, gây ô nhiễm tiếng ồn thì sẽ bị xử lý theo quy định… Do vậy, chỉ cần các cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm, kiểm tra xử lý gắt gao thì cũng đủ sức ngăn chặn những nỗi lo mà luật dự liệu. Nhiều câu hỏi đặt ra, trường hợp cha mẹ “sai” con mua rượu bia thì chủ quán có quyền được bán hay không? Người bán làm sao nhận biết người mua rượu bia đã đủ 18 tuổi hay chưa nếu không kiểm tra các giấy tờ tùy thân, trong khi việc kiểm tra giấy tờ tùy thân không thuộc thẩm quyền của người bán? Với thói quen, tập quán và nhận thức đã ăn sâu vào tiềm thức, đại đa số người dân sẽ không hiểu hành vi bán rượu bia cho trẻ em dưới 18 tuổi là vi phạm pháp luật. Vì vậy, để Nghị định 105 đi vào thực tế, cần có chế tài xử phạt nghiêm các vi phạm liên quan đến việc lạm dụng rượu bia.

 M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện Nghị định 105 - Có khó thi hành?