Nhà hàng tại khu du lịch Suối Tiên – Mũi Né đã bị sóng biển đánh sập |
Sáng ngày 13/3, có mặt tại khu du lịch Coco Beach ((phường Hàm Tiến), chúng tôi ghi nhận những thiệt hại đáng kể do tình trạng nước biển dâng cao gây ra. Tại khu vực bờ biển được khu du lịch dùng để bố trí ghế nằm cho du khách, 10m chiều sâu bờ biển đã bị sóng cuốn trôi. Nhiều cây dù cố định và một số cây dừa nằm trong địa phận của Coco Beach cũng biến mất hoàn toàn.
“Hơn 20 năm nay, chúng tôi chưa chứng kiến tình trạng sạt lở tương tự như hiện giờ. Để tránh tình trạng nước biển xâm thực ăn sâu vào khu vực nhà hàng, chúng tôi phải huy động hàng chục nhân viên, sử dụng bao ni-lông đựng cát và cọc tre làm đê bao nhằm hạn chế sóng biển đánh ập vào bờ. Tuy vậy, trước sức mạnh từ các đợt sóng tới tấp đánh vào, một góc chân kiềng của nhà hàng đã bị cuốn trôi” - anh Trịnh Đăng Thắng – đại diện khu du lịch Coco Beach nói.
Các hàng dừa cũng bị sóng đánh ngã |
Ngay sát ranh khu du lịch Coco Beach, nguyên dãy nhà hàng của khu du lịch Suối Tiên – Mũi Né đã bị sóng biển đánh sập. Phía dưới bãi biển từng là nơi du khách sử dụng để tắm, chơi thể thao, nay chỉ còn ngỗn ngang gạch đá. Một hàng dừa và diện tích lớn của bãi biển ở khu du lịch này cũng bị sóng cuốn phăng.
Theo đại diện các cơ sở du lịch tại phường Hàm Tiến, từ nhiều năm trở lại đây, họ chưa từng chứng kiến tình trạng sạt lở do sóng biển gây ra nặng nề tương tự như những ngày qua. Liên tục trong 4 ngày, từ 9/3 đến 12/3, sóng biển liên tục đánh mạnh vào bờ biển ở Hàm Tiến, có nơi ngọn sóng cao đến 4m, làm cuốn trôi nhiều đoạn bờ biển và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản ở các khu du lịch. Hiện tại có 10 cơ sở du lịch, với chiều dài khoảng 1km kéo dài từ khu du lịch Tiến Đạt đến khu du lịch Coco Beach bị ảnh hưởng trực tiếp từ đợt triều cường lần này.
Triều cường hoạt động mạnh, kéo gần 10m chiều sâu biển Coco Beach |
Ngoài một phần đất bờ biển bị ăn sâu vào bên trong thì sóng biển còn phá hỏng một số nhà hàng, công trình phục vụ du lịch. Trước tình trạng triều cường xâm thực ngày càng mạnh tại các khu du lịch ở phường Hàm Tiến, hiện nay đã có ít nhất 3 cơ sở kinh doanh du lịch tiến hành lắp đặt kè mềm để hạn chế sóng biển. Tuy nhiên, khi kè mềm được lắp đặt ở khu vực này thì sóng biển lại uy hiếp với cường lực mạnh gấp bội ở bờ biển liền kề. Thế nên, những cơ sở du lịch chưa lắp đặt kè mềm đang phải “hứng trọn” sức công phá của triều cường.
Theo đại diện Ban quản lý Khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, trước tình trạng biển xâm thực diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở Hàm Tiến, Ban đã kịp thời khảo sát, ghi nhận tình hình thực tế, trước mắt vận động các cơ sở du lịch tự khắc phục sự cố. Sau đó, Ban sẽ có báo cáo lên TP. Phan Thiết và ngành du lịch để kịp thời có những biện pháp xử lý. Được biết, cách đây chưa đầy 3 tháng, sóng biển vỗ mạnh vào bờ khiến các đoạn kè chắn, các khu ăn uống tại một số cơ sở du lịch ở Hàm Tiến – Mũi Né bị nước cuốn trôi. Ngoài ra, đường Xuân Thủy, tuyến đường huyết mạch nối trung tâm Mũi Né với khu du lịch cộng đồng Hòn Rơm cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Nay, khi các khu vực kia mới khắc phục xong thiệt hại thì sóng biển tiếp tục uy hiếp các cơ sở du lịch ở phường Hàm Tiến.
Các nhân viên khu du lịch Coco Beach giằng chống bờ biển bằng cọc tre, bao cát |
Châu Tỉnh