Theo dõi trên

190 năm Bình Thuận được vua Minh Mạng đổi từ trấn sang tỉnh

08/04/2022, 05:30

Sau khi đánh bại vương triều Tây Sơn, ngày 31/5/1802, Nguyễn Ánh lên ngôi đặt niên hiệu Gia Long, đóng đô ở Huế mở đầu vương triều Nguyễn.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà vua Gia Long (1802-1820) quan tâm là thiết kế lại bộ máy nước các cấp nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý toàn diện đất nước. Theo đó, vua Gia Long phân chia đất nước thành 3 vùng: Bắc thành (Bắc bộ ngày nay), Gia Định thành (Nam bộ) và các Trực doanh (Trung bộ). Ở Bắc thành và Gia Định thành, nhà vua đặt ra chức Tổng trấn để quản lý; còn triều đình trực tiếp cai quản các Trực doanh.

vua-1.jpg
Tỉnh Bình Thuận/平 順 ( phần đóng khung đỏ) trong Đại Nam nhất thống toàn đồ (vẽ trong những năm 1834 - 1838, thời vua Minh Mạng). Ảnh: TL.

Vài nét về tổ chức bộ máy ở địa phương từ năm 1802 đến trước 1831

Bắc thành có 11 trấn, Gia Định thành có 5 trấn; trực thuộc triều đình ngoài 4 dinh còn có 7 trấn, là: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên, Bình Khương và Bình Thuận. Đứng đầu trấn là vị quan võ gọi là Trấn thủ, giúp việc có Hiệp trấn (giữ nhiệm vụ trông coi thuế khóa, lương tiền và ruộng đất) và Tham hiệp (coi việc hình án)… Dưới cấp dinh/ trấn là cấp phủ, huyện hoặc châu (dành cho khu vực miền núi), dưới là tổng và cuối cùng là xã. Một điểm cần lưu ý về sự phân cấp hành chính ở trường hợp cấp phủ; thời Nguyễn, phủ có lúc ngang cấp với huyện, nhưng cũng có trường hợp thì phủ bao gồm nhiều huyện, là cấp trung gian giữa trấn với huyện(1).

Ví như trường hợp Bình Thuận, từ năm 1808 được gọi là trấn Bình Thuận, dưới trấn có phủ Bình Thuận và 2 huyện là An Phước và Hòa Đa. Tức phủ lúc này ngang cấp với huyện. Đến năm 1823, vua Minh Mạng mới cho phủ Bình Thuận kiêm quản huyện An Phước; 2 năm sau đặt phủ lị ở đạo Phan Thiết, kiêm lý huyện Hòa Đa(2). Đứng đầu phủ là Tri phủ, đứng đầu huyện là Tri huyện được chọn từ những người xuất thân từ khoa bảng.

Sau khi lên ngôi kế thừa đế nghiệp, năm 1831 - 1832, vua Minh Mạng tiến hành một cuộc cải cách hành chính, ngạch quan, quân đội, khoa cử, thuế khóa,… Đặc biệt, ông chia lại địa giới cả nước thành 30 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên.

Vua Minh Mạng chia đặt lại các tỉnh

Minh Mạng tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, ông là con thứ tư của vua Gia Long và bà vợ thứ hai là Trần Thị Đang. Nguyễn Phúc Đảm sinh ngày 25/5/1791 (Tân Hợi) tại Gia Định; năm 25 tuổi được sách phong Hoàng thái tử (1816), lên ngôi ngày 14/2/1820, khi ấy ông 29 tuổi, lấy niên hiệu là Minh Mạng. Vua mất ngày 20/1/1841, táng tại Hiếu lăng (Huế).

Theo sử liệu, vua Minh Mạng là một người thông minh, quyết đoán, chăm lo việc triều chính. Dưới thời ông trị vì, nước Đại Nam phát triển, được tổ chức một cách có quy củ về mọi mặt, cương vực được mở rộng... Nguyên nhân tạo ra kết quả trên là từ tác động của hàng loạt những cải cách trong thời gian trị vị; trong đó có việc chia đặt lại các đơn vị hành chính trực thuộc.

Trước tiên vào tháng 10 năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng bãi bỏ chức Tổng trấn Bắc thành; từ Quảng Trị trở ra Bắc chia thành 18 tỉnh và bắt đầu đặt các chức Tổng đốc, Tuần vũ, Bố chánh, Án sát thay thế các chức Trấn thủ, Hiệp trấn, Tham hiệp…. Một năm sau, Gia Định thành bị bãi bỏ, từ Quảng Nam trở vào chia làm 12 tỉnh. Như vậy, đến năm 1832, cả nước có 30 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên (kinh đô).

Theo quan điểm của vua Minh Mạng đối với những dân tộc bản địa như: Chăm, Raglai, Churu, K’ho… ở trấn Thuận Thành(3) thần phục triều đình hơn 200 năm nay, hàng năm dâng cống sản vật địa phương. “Nhân lúc nước nhà đã thống nhất, thanh danh văn hóa đã mở mang” nên sai quan chức đến kinh lý “để cho sự thể được giống như người Kinh”(4).

Tháng 10 năm đó (Nhâm Thìn 1832), vua sai Tả thị lang bộ Lễ là Lê Nguyên Trung – một quan chức nắm rõ tình của địa phương (vì trước kia giữ chức Hiệp trấn Bình Thuận) đến “hội đồng với quan trấn, bàn tính công việc”. Khi Lê Nguyên Trung đến nơi đã “tuyên dương uy đức triều đình; Cai đội, thự Phó trấn thủ Bình Thuận lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Thừa đã dẫn những người dân Thuận Thành tới “xin biên thành sổ hộ làm dân Nhà nước”. Lúc bấy giờ đình thần bàn rằng “Thuận Thành với Bình Thuận xưa nay nhân dân vẫn cày cấy, ăn ở lẫn lộn không nên chia tách nọ kia, xin cứ đổi nguyên trấn Thuận Thành làm phủ Ninh Thuận, đặt thêm 2 huyện Tuy Định và Tuy Phong”(5).

vua.jpg
Vua Minh Mạng (1820 - 1841). Ảnh: TL

Dưới sự chủ trì của quan kinh lý Lê Nguyên Trung, địa giới phủ huyện cũng được định lại một cách rõ ràng. Theo đó, “từ cuối hạt Bình Hòa (tức Khánh Hòa) đến sông Ma Bố là huyện An Phước; từ nam sông Ma Bố đến sông Tiến Giang là huyện Tuy Phong; từ phía nam sông Tiến Giang đến núi La Bông là huyện Hòa Đa; từ phía nam núi La Bông đến đầu địa giới Biên Hòa là huyện Tuy Định”. 2 huyện An Phước và Tuy Phong thuộc phủ Ninh Thuận; 2 huyện Hòa Đa và Tuy Định thuộc phủ Hàm Thuận. Mỗi phủ đặt 1 Tri phủ, 1 Giáo thụ (trông coi việc giáo dục); Tri phủ Ninh Thuận kiêm lý huyện An Phước, Tri phủ Hàm Thuận kiêm lý huyện Hòa Đa. 2 huyện Tuy Phong và Tuy Định mỗi huyện đặt 1 Tri huyện, 1 Huấn đạo (trông coi việc dạy học). Mỗi huyện An Phước, Tuy Phong, Hòa Đa có 4 tổng (2 tổng người Kinh, 2 tổng người Chăm và các dân tộc khác); huyện Tuy Định có 3 tổng (có 1 tổng dân tộc ít người); mỗi tổng do chức Cai tổng đứng đầu…(6).

Vua Minh Mạng còn quy định, số ruộng đất của tộc người ở đây vẫn cho như cũ, 3 năm sau ngày lập tỉnh mới châm chước định mức mà thu thuế. Phong tục, tập quán vẫn y như cũ; ban họ Đào, Mai, Trúc, Tùng… để phân biệt họ hàng.

Đứng đầu tỉnh là Tuần phủ, một chức quan văn (trật tòng nhị phẩm); giúp việc có quan Bố chánh (văn, chánh tam phẩm) phụ trách vấn đề thuế má, số dân đinh, số điền; quan Án sát (văn, chánh tứ phẩm) coi việc hình án, mỗi chức 1 viên. Trong coi việc quân trong tỉnh có chức Lãnh binh (võ, chánh tam phẩm). Theo Đại Nam nhất thống chí, khi lập tỉnh “đặt tuần phủ Thuận Khánh coi cả 2 tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa, lại đặt hai ti bố chánh và án sát”(7). Ở Bình Thuận đã có Tuần phủ kiêm việc Bố chánh rồi nên chỉ đặt 1 chức Án sát(8).

Để giúp Tuần phủ quản đốc các suất dân ít người thu nộp thuế khóa, vua Minh Mạng cho Nguyễn Văn Thừa lãnh chức Quản cơ, thưởng bộ mũ áo tứ phẩm đại triều; thuộc hạ là Nguyễn Văn Giảng, Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Văn Thanh đều cho làm Cai đội (trật chánh lục phẩm).

Chỉ huy quân sự có chức Lãnh binh (trật chánh tam phẩm); Lãnh binh Bình Thuận chuyên coi 2 cơ (Thuận nghĩa, Thuận tượng), phó Lãnh binh chuyên quản cơ Thuận tráng, cơ Bình Thuận và kiêm quản Thủy cơ Bình Thuận(9). Các chức Tuần phủ, Án sát, Lãnh binh đều được triều đình cấp ấn quan phòng bằng bạc, ấn triện bằng đồng, dấu kiềm bằng ngà để làm việc; riêng ấn quan phòng, dấu kiềm của quản lý Thuận Thành cũ nộp về triều đình để hủy đi. Thời Minh Mạng, Bình Thuận được xếp vào nhóm tỉnh vừa, nên biên chế nhân sự 78 người để làm việc trong bộ máy cấp tỉnh (tỉnh lớn: 119, tỉnh vừa: 73-76, tỉnh nhỏ: 39-62)(10).

Theo điển chế của triều đình, từ năm 1833, vào những dịp lễ, tết thì Tuần phủ Thuận Khánh hội ý với quan chức địa phương làm tờ biểu mừng cùng nhau ký tên vào đó, rồi tuyển chọn 1 viên Tri phủ hoặc Tri huyện về kinh đô Huế để mừng. Do đường xá xa xôi, mỗi lần đi phải ở lại kinh đô, ví như khi ra mừng tiết Thánh thọ (sinh nhật của hoàng thái hậu hoặc thái hoàng thái hậu) thì ở lại đợi lễ tiết Nguyên đán xong mới trở về lỵ sở; đi mừng tiết Vạn thọ (sinh nhật nhà vua) thì ở lại đợi lễ tiết Đoan dương xong mới về(11).

Sau khi đặt tỉnh xong, vua Minh Mạng cho dời tỉnh thành từ làng Thanh Tu đến địa phận 3 xã Đông An, Thụy Giang và Hòa An thuộc địa phận huyện Hòa Đa.

Theo thống kê địa bạ lập năm Minh Mạng thứ 17 (1836), toàn tỉnh Bình Thuận (gồm Ninh Thuận, Lâm Đồng và nam Đắk Lắk ngày nay) có 299 xã thôn(12), số dân đinh là 12.000 người, đến năm 1847 là 17.570 (cả nước 1.024.388)(13).

Thay lời kết

Cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng trong những năm 1831-1832 có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Theo đó, hệ thống cơ quan được tổ chức tinh gọn, chặt chẽ, đảm bảo sự thống nhất và tạo thuận lợi cho việc quản lý từ Trung ương xuống địa phương. Việc vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh, chia lại địa giới, sắp đặt chức quan và ban hành một số chính sách ở Bình Thuận cho thấy thời bấy giờ vùng đất này đã có sự phát triển nhất định, có tầm quan trọng đối với cả nước. Do vậy, sự kiện 1832 là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử của tỉnh, nó đã mở ra thời kỳ phát triển mới của địa phương.

(1), (10): Đỗ Bang. Khảo cứu kinh tế và tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn: Những vấn đề đặt ra hiện nay. NXB Thuận Hóa, 1998: 150, 162. (2), (7): Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 3. NXB Thuận Hóa, 2006: 144-145. (3): Đơn vị hành chính hình thành thời năm 1697, nằm xen kẽ với các khu vực cư trú của người Việt thuộc địa phận Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Nam Tây Nguyên ngày nay. (4), (5), (6), (8), (9), (11): Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 3. NXB Giáo dục, 2007: 391-392; 395; 400. (12): Trung tâm lưu trữ quốc gia I. Địa danh làng xã Việt Nam qua tài liệu địa bạ, tập 3 (Nam Trung bộ). NXB Hà Nội, 2021: 21. Trong số 299 này, trên địa bàn Bình Thuận hiện nay có khoảng 200 xã thôn. (13): UBND tỉnh Bình Thuận. Địa chí Bình Thuận. Sở VHTT Bình Thuận xuất bản, 2006: 109.

ĐỖ THÀNH DANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hội thi dân vũ thể thao trực tuyến dành cho hội viên, phụ nữ
Với chủ đề “Vũ điệu khỏe, đẹp”, hội thi dân vũ thể thao trực tuyến vừa được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động rộng khắp tới các cấp Hội, các câu lạc bộ/tổ/nhóm phụ nữ luyện tập thể dục thể thao trong toàn quốc.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
190 năm Bình Thuận được vua Minh Mạng đổi từ trấn sang tỉnh