Theo dõi trên

3 tháng cuối năm: Ngành nông nghiệp sẽ vươn mình bứt phá?

24/09/2021, 08:24 - Lượt đọc: 48

BT- Chặng đường 9 tháng của năm 2021 đã qua trong điều kiện nhiều khó khăn, trở ngại bởi đại dịch Covid-19. Ðối với ngành nông nghiệp của tỉnh, dịch bệnh đã tác động đến sản xuất và hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa nông, lâm, thủy sản. Chính vì vậy, 3 tháng còn lại của năm 2021 là thời gian để ngành nông nghiệp bứt phá, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ trọng tâm và  chỉ tiêu chủ yếu được tỉnh giao. 

Thuận lợi… trong khó khăn

Không nằm ngoài những khó khăn khách quan, từ đầu năm đến nay ngành nông nghiệp tỉnh đã gánh chịu nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến sản xuất. Trong đó, có thể nhắc đến những tháng đầu năm 2021, thời tiết nắng nóng, gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp tại một số khu vực. Mặt khác, tình hình sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây hại, đặc biệt là bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện ở một số địa phương trong tỉnh.

Tuy vậy, vượt qua những khó khăn do nguyên nhân khách quan, chủ quan, có thể nói trong 9 tháng qua, một số chỉ tiêu của ngành đã đạt được. Trong đó, vụ đông xuân, hè thu 2021 đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Riêng vụ mùa đến nay đã sản xuất được trên 20.700 ha cây ngắn ngày. Nguồn nước thủy lợi, thủy điện cơ bản đáp ứng phục vụ sản xuất vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân theo kế hoạch. Ngoài ra, để phát huy hiệu quả sử dụng đất và tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi gần 8.200 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn như bắp, rau, đậu các loại mang lại hiệu quả kinh tế. Ngành nông nghiệp cũng tiếp tục duy trì ổn định diện tích các cây trồng lợi thế thanh long, cao su. Đó là kết quả đạt được từ sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và các địa phương, dựa vào những yếu tố thuận lợi nhất định, trong bối cảnh khó khăn chung.

Thúc đẩy phát triển sản xuất

Thời gian còn lại của năm 2021 chỉ còn 3 tháng. Trong thời gian này, ngành nông nghiệp phải vạch ra những giải pháp để “chạy nước rút”, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ trọng tâm và chỉ tiêu chủ yếu được tỉnh giao.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Thuận. Ảnh: N.Lân

Theo ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, một trong những giải pháp của ngành đó là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, gắn với thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, tiếp tục cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển, nhân rộng những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Song song, áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp, VietGAP đối với cây trồng chủ lực, cây có giá trị kinh tế cao. Ngành cũng tập trung chỉ đạo thu hoạch tốt vụ hè thu và sản xuất vụ mùa 2021 đạt kết quả, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu 797.454 tấn lương thực.

Ngoài ra, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn gắn với kiểm soát thú y và hoạt động giết mổ tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Khuyến khích chăn nuôi khép kín, liên kết các khâu trong chuỗi giá trị. Đưa giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Khuyến khích tái đàn, tăng đàn ở các cơ sở chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi khép kín.

Những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm thủy sản trong và sau thu hoạch. Tiếp tục các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cơ cấu lại ngành lâm nghiệp. Song song, theo dõi, đôn đốc các đơn vị chủ rừng thực hiện tốt giao khoán bảo vệ rừng, chăm sóc và khoanh nuôi tái sinh rừng. Ngành cũng lên kế hoạch phối hợp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong chế biến và xuất khẩu nông, thủy sản cả về sản phẩm và thị trường.

Tin tưởng rằng, khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, cộng thêm Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp vừa được ban hành, những tháng còn lại của năm 2021, nông nghiệp tỉnh sẽ vươn mình bứt phá.

Một số chỉ tiêu của ngành nông nghiệp trong 9 tháng của năm 2021: Sản lượng lương thực toàn tỉnh ước đạt 546.170 tấn/KH năm 797.454 tấn (68,5% KH), tăng 17,4% so cùng kỳ. Diện tích thanh long VietGAP 11.424 ha/KH 10.500 ha, tăng 11,3% so cùng kỳ. Sản lượng hải sản khai thác 160.400 tấn/ KH 210.000 tấn (76,3%), giảm 2,5% so cùng kỳ. Sản lượng tôm giống 17,9 tỷ/ KH 24,5 tỷ post (73,2% KH), giảm 1% so cùng kỳ. Trồng rừng tập trung 922 ha/ KH 2.250 ha (41% KH).

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 tháng cuối năm: Ngành nông nghiệp sẽ vươn mình bứt phá?