Theo dõi trên

“A dua” thời công nghệ số

04/11/2019, 15:01

 BTO- Nhớ một thời còn học phổ thông. Thầy cô nào cũng ngán ngẩm và rất ngại làm chủ nhiệm lớp tôi, vì lũ học trò nghịch như quỷ sứ. Việc gì chúng tôi cũng bày ra cãi nhau phá phách được. Nhớ một lần gần đến ngày 20/11, lớp có bàn việc tổ chức đi thăm thầy cô giáo, rồi góp ý thống nhất nên tặng quà gì rẻ mà có ý nghĩa.

Chúng tôi bàn việc này trong lớp, không có giáo viên chủ nhiệm can dự. Nghe qua tưởng chuyện bình thường, nhưng khi xáp vô bàn là cả lớp cãi nhau như cái chợ, không ai chịu ai. Đúng hơn là không nhóm nào chịu nhóm nào. Nguyên nhân là vầy: Bộ ba quản lý gồm lớp trưởng, lớp phó học tập và lớp phó văn thể, mỗi đứa đề xuất một phương án khác nhau, thành ra lớp mới hình thành 3 phe như vậy. Đứa này nói đứa kia “các bạn không được a dua theo lớp trưởng”, nhóm này chỉ nhóm nọ “không được a dua theo lớp phó văn thể”, có đứa nói “tui thấy phương án của lớp phó học tập là được, không được a dua theo 2 người kia…”. Cứ như vậy mà rần rần lên, đành phải nhờ đến cô chủ nhiệm tham gia giải quyết hộ. Cái từ “A dua” hồi đó của chúng tôi không biết sử dụng như vậy có phù hợp không, nhưng lúc đó nghe nó hồn nhiên, trong trẻo lắm. Bởi vì việc a dua xảy ra khi cả lớp đều biết hết các thông tin nên được quyền lựa chọn theo ý mình. Mỗi khi nghĩ tới, tôi lại cười thầm.

Khi lớn lên, rồi đi làm, cái từ a dua của người lớn lại có ý nghĩa khác. Nó không còn mang dáng dấp hồn nhiên của tuổi học trò nữa, mà có phần ích kỷ, hẹp hòi cá nhân, thậm chí có cả vụ lợi riêng tư trong đó. Trong một tập thể đơn vị, cơ quan nào đó, những người gọi là a dua, đều được hiểu theo một nghĩa xấu xí, tiêu cực. A dua hay hùa theo đều chỉ những hành vi, lời nói theo xu hướng xấu, chứ cái tốt, tích cực thì không ai gọi a dua cả. Nếu có người (hoặc nhóm người) được gọi là a dua theo lãnh đạo, thủ trưởng thì a dua này còn đồng nghĩa với thói xu nịnh. Tuy nhiên việc a dua này cũng chỉ xảy ra trong một phạm vi hẹp, khi mọi người đều đã biết được các thông tin mà mình lựa chọn để theo.

Còn ngày nay, trong thời đại công nghệ số, khi mạng xã hội phát triển thì a dua lúc này hoàn toàn khác trước. Có người vì động cơ cá nhân hay ý đồ xấu nào đó, đã tùy tiện phát ngôn, đặt điều, xúc phạm danh dự người khác, bôi xấu hình ảnh cơ quan, doanh nghiệp lên mạng xã hội. Nhiều người vô mạng xem các thông tin đó mà không biết người đưa tin ở đâu, nội dung sự việc hoặc hình ảnh đó đúng hay sai, cũng lao vào a dua hùa theo chia sẻ phát tán khắp nơi, rồi bình luận, cổ súy nội dung, hình ảnh đó, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, ảnh hưởng đến công việc làm ăn, đời sống gia đình riêng tư của họ. Do đó A dua thời công nghệ số là vô cùng nguy hiểm, và nó đã rất nhanh chóng trở thành căn bệnh trầm kha của xã hội ngày nay.

Đơn cử như thực tế gần đây, tôi được biết rất rõ câu chuyện ở một trường học nọ, cậu hiệu trưởng và cô kế toán làm việc lâu năm rất ăn ý. Khi trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh thì cô kế toán muốn cậu hiệu trưởng giao toàn quyền bán trú cho mình. Cậu hiệu trưởng nghe vậy không đồng ý giao cho một cá nhân, mà thành lập Tổ phụ trách bán trú gồm 3 người: kế toán, thủ quỹ và hiệu phó làm Tổ trưởng phụ trách bán trú. Cô kế toán có vẻ không bằng lòng. Tuy nhiên chuẩn bị bữa ăn bán trú đầu tiên, cô kế toán có tham gia đi chợ cùng với tổ. Sau đó thì không thèm đi nữa, cũng không chịu ghi sổ sách chứng từ mà lẽ ra trách nhiệm kế toán phải làm. Cô còn ra điều kiện khi nào hiệu trưởng giao cho cô toàn quyền bán trú thì cô mới ghi chép sổ sách, lập chứng từ kế toán bình thường. Kể từ đó cô kế toán bất hợp tác với cậu hiệu trưởng. Suốt cả năm học không làm nhiệm vụ kế toán. Hàng tháng chỉ làm mỗi thủ tục nhận lương (nhờ có cả lương kế toán). Hoạt động tài chính của nhà trường từ đó bị tê liệt. Tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường cực kỳ khó khăn. Cậu hiệu trưởng cũng quá hiền, lại sợ ảnh hưởng trường đang chuẩn bị công nhận Chuẩn quốc gia nên không dám làm gì cô kế toán, buộc hiệu trưởng phải vi phạm nguyên tắc tài chính để duy trì các hoạt động giáo dục.

Thế rồi kế toán gửi đơn lên cấp trên tố cáo hiệu trưởng tiêu cực, tham nhũng. Thanh tra địa phương về làm việc cả tháng trời. Kết quả là cả kế toán và hiệu trưởng đều bị xử lý kỷ luật, vì vi phạm nguyên tắc tài chính: Đó là do hiệu trưởng thiếu kiểm tra nên để kế toán không mở sổ sách cập nhật theo dõi từng khoản thu chi; không thực hiện thanh quyết toán theo qui định; không tổ chức đối chiếu sổ sách giữa kế toán và thủ quỹ; không báo cáo tài chính cuối năm 2018 theo qui định…

Với ý đồ muốn cậu hiệu trưởng phải bị cách chức, bữa ăn bán trú đầu tiên của năm học mới, cô kế toán xông vào phòng ăn bán trú học sinh để quay hình ảnh khi các cô cấp dưỡng chưa phân phối thức ăn xong. Chặn ở phòng này thì cô kế toán nhảy sang phòng khác làm náo loạn bữa ăn. Mục đích là làm bằng chứng tố cáo hiệu trưởng cắt xén phần ăn 13.000 đồng của học sinh, rồi tung lên mạng.

Kể từ đó, cô kế toán liên tục đưa lên mạng các thứ, từ các văn bản hành chính cô có trong tay, hình ảnh cô quay, chụp được, rồi viết nội dung bịa đặt, nói sai sự thật, bêu xấu hiệu trưởng và một số cán bộ địa phương với những thông tin đặt điều, phiến diện. Tự cho mình là người đấu tranh chống tham nhũng, nhưng bị các thế lực chính quyền liên kết bao che hiệu trưởng, ức hiếp cô kế toán bé nhỏ, đáng thương…

Nhiều người không biết gì bản chất của vụ việc trên, lao vào mạng a dua hùa theo cho rằng cô kế toán nói thứ gì cũng đúng, kế toán với hiệu trưởng như môi với răng. Rằng kế toán tố cáo thì hiệu trưởng có mà chết, chết chùm. Rồi chia sẻ, bình luận, tung hô ca ngợi cô kế toán dũng cảm, cộng đồng mạng sẽ sẵn sàng ủng hộ và đoàn kết bên cô đấu tranh chống tham nhũng cho đến hơi thở cùng. Rồi họ chửi bới, lăng mạ cậu hiệu trưởng và những cán bộ cơ quan, chính quyền mà họ chưa hề biết với những lời lẽ thiếu văn hóa, gán ghép hình ảnh thầy cô giáo vào gọi là bồ nhí, xưng hô mày – tao, thằng này - chó nọ rất phản cảm, thậm chí còn có lời lẽ liên quan đến chính trị, chế độ… Cô kế toán được một số người a dua, hùa theo tâng bốc trên mạng, càng làm cho cô thêm phần ảo tưởng, tự huyễn hoặc mình là chân lý, làm cho sự việc ngày càng bị đẩy đi quá xa, vượt quá bản chất, giới hạn của nó.

Ông bà ta thường nói “Lời nói, đọi máu” hoặc “Trước khi nói, phải uốn lưỡi bảy lần” để nhắc nhở người đời khi nói, bình luận sự việc, nhất là đánh giá một con người, một tổ chức phải biết người, biết việc đúng- sai, suy nghĩ thật thấu đáo, nhân văn và trách nhiệm, chứ không nên a dua một cách mù quáng, rồi chỉ trích với những ngôn từ thô lỗ, thái độ hằn học thù địch, thiếu văn hóa, vô trách nhiệm, gây tổn hại tinh thần cho người khác, cho xã hội, trong khi bản thân mình không biết gì cả.

Tôi cũng thường lên mạng xã hội và thấy nhiều người tham gia mạng thể hiện rõ trách nhiệm công dân của mình. Họ thường chia sẻ những thông tin tích cực, nhất là thông tin nhằm cung cấp các kiến thức văn hóa, sức khỏe, kinh nghiệm công tác, chính sách mới hoặc những bài viết họ thấy hay để mọi người cùng thưởng thức. Những bài bình luận của họ có khi chỉ vài dòng thôi nhưng thể hiện kiến thức văn hóa sâu rộng, uyên thâm, lịch lãm, thể hiện người có ăn học, có thái độ tích cực trong giúp đỡ xây dựng lẫn nhau, xây dựng cộng đồng xã hội cùng phát triển, giúp cho nhiều người khác tham gia mạng xã hội mở mang kiến thức, hiểu biết thêm về cuộc đời, về tình người và đánh giá nhận định đúng bản chất sự việc.

Tham gia mạng xã hội theo kiểu a dua như sự việc cô kế toán nêu trên thì thật nguy hiểm. Bởi vì khi đưa lên mạng xã hội, bản chất a dua không còn hồn nhiên như kiểu học trò, phạm vi a dua không còn hạn hẹp trong cơ quan, đơn vị mà nó trở thành chuyện của cả xã hội, có tác động rất ghê gớm, nhất là những thông tin, hình ảnh xấu, độc. Nó xúc phạm đến danh dự con người, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình họ, sứt mẻ lòng tin, mối quan hệ xóm giềng, giảm uy tín trong xã hội trong khi mọi điều nói về họ hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật. Điều này không chỉ dừng lại ở đó mà nó còn tiếp tục đi xa hơn, khi mà các thế lựcthù địch, phản động lợi dụng hùa theoxuyên tạc, kích động, lôi kéo lực lượng chống lại chính quyền nhà nước.

Thế mới thấy, thói a dua thời công nghệ số là vô cùng phức tạp và nguy hiểm; cần phải đề cao cảnh giác và cần thể hiện tốt trách nhiệm công dân.

PHHS



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“A dua” thời công nghệ số